THÁP BÀ NHA TRANG
Tháp Bà nằm ở phía bắc thành phố
Nha trang khoảng 4, 5 cây số, trên một ngọn đồi cao cách mặt bể độ chừng 50
thước, được gọi là núi Cù Lao cạnh cửa sông lớn đổ ra biển Đông. Con sông này
vốn mang khá nhiều tên theo thời gian là sông Cái, sông Ngọc Hội và cuối cùng
là sông Nhatrang. Nhatrang mà thành phố biển này mang tên có nguồn gốc từ tiếng
Chàm Eatran hay Yatran mà ra. "Ea" hay "Yja" hay
"Ya": có nghĩa là nước là sông; còn "tran": là lau sậy, vì
hai bên bờ sông toàn là lau sậy. (Có lẻ dân ta về sau biến chữ "tran"
thành "trảng" như trảng bom, trảng bàng vv... chăng?) Như thế Eatran
hay Nhatrang có nghĩa là "con sông sậy", thuộc vùng Kauthara của
Chiêm thành mà tổ tiên ta tiếp thu vào năm 1653. Một điều đáng ghi nhận là hiện
nay đồng bào thượng Rhadé hay Êđê vùng Ban Mê Thuột vẫn dùng nhiều từ ngữ gốc
Chàm và vẫn gọi nước hay sông là Ea. Như thế cho thấy sự liên hệ của họ với
người Chàm xưa cũng gần gũi lắm.
Dưới chân núi Cù Lao về phía
đông, cạnh quốc lộ số 1 vốn là bến xe ngựa ở thời Pháp thuộc cho đến thời đệ
Nhất Cộng hòa, về sau theo sự tăng tiến kỹ thuật trong đời sống, xe ngựa được
thay thế bằng xe lam rồi xe buýt Renault. Bên kia quốc lộ là Xóm Bóng hay Xóm
Chài,vì xóm này nguyên được lập nên bởi những người chuyên làm nghề đồng bóng
ở tháp Bà (tiếng Chàm gọi là patjao), và về sau ngư phủ người Việt tập trung
sinh sống quanh đấy càng ngày càng đông.Vào thời cao điểm của cuộc chiến vào
khoảng năm 1969,công binh quân đội Đại hàn làm một xa lộ mang tên là"Cải
lộ tuyến" hay"xa lộ Đại hàn"đi tắt từ phía bắc đèo Rù Rì đến
Thành,và từ đó các chuyến vận tải xuyên Việt không còn phải chạy cạnh chân
Tháp Bà,qua cầu Xóm Bóng,cầu Hà Ra để vào thành phố như trước.
Trong những năm cuối của thời
Pháp thuộc, vùng phía bắc của Tháp Bà như Đồng Đế, Ba Làng vv.. vẫn còn hoang
vu lắm. Việc đi thăm hay cắm trại ở Hòn chồng, bãi Dương là những dịp hãn hữu;
còn việc lễ bái ở tháp thì chỉ náo nhiệt nhất là vào dịp tết âm lịch. Lý do dễ
hiểu là thời ấy thành phố Nhatrang còn bé và việc đi lại còn lắm khó khăn, và
chẳng ai có nhu cầu gì để phải đi xa như thế. Có lẻ nguồn giải trí lành mạnh
của dân Nha thành vừa tiện lợi và ít tốn kém vẫn là bãi biển cát trắng và nước
biển trong xanh bên cạnh.
Toàn bộ Tháp Bà được xây dựng
khoảng từ đầu thế kỷ thứ 8, thời mà dân Việt vẫn còn bị Tàu đô hộ (dựa vào niên
đại những bia ký dựng ở tháp) và tiếp tục được phát triển và trùng tu cho đến
thế kỷ thứ 13. Thế kỷ thứ 8, cũng là thời kỳ vua Chàm ở phía bắc là
Vikrantavarman II thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu vương Chàm ở
phía nam, nhưng vẫn chưa tiến chiếm hết vùng Panduranga (Ninh và Bình thuận).
Mặt tiền của các tháp đều hướng
ra biển Đông. Tổng thể kiến trúc gồm ba tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp
ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc
thang bằng đá dẫn lên tầng giữa, nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng
gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 thước và cao hơn 3 thước.
Ở hai bên các dãy cột lớn có 14 cột nhỏ và thấp hơn, và tất cả lại nằm trên một
nền bằng gạch cao hơn 1 thước. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn
là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao
và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa
này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng, cũng là
nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này
từ lâu đã không hề được xử dụng. Bậc thang bằng đá ong mà ta thấy hiện nay ở
phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 60 do nhu cầu du lịch gia
tăng.
Ở tầng trên, có hai dãy tháp được
bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà
thôi. Dãy tháp phía trước chỉ có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3
ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn một. Tháp thờ chính khá lớn và cao khoảng
23 thước, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính là tháp
thờ thần Parvati, vợ của Shiva (hay Xiva). Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva
cỡi thần ngưu Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi vv. Mặt
ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những
vũ công, kẻ chèo thuyền, kẻ xay gạo hay kẻ đi săn với cung và tên. Cửa chính ở
phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền
ký, đỡ một phiến đá hiønh thuẩn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giửa hai
nhạc công. Bên trong tháp thì âm u và mát lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá
bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu
gối, các bàn tay khác thì cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và
cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.
Từ Yang Po Inư Nagar đến Thiên Y
A-Na
Trên các bia ký lưu lại ở tháp,
nếu ghi bằng chữ Phạn cổ thì tên của Bà là Bhagavati Kautharesvati, và ghi bằng
chữ Chàm thì gọi đầy đủ là Yang Po Inư Nagar, theo đó thiø "Yang" là
Thần; "Pô" là tôn kính, là ngài; Inư là mẩu, là mẹ; và Nagar: xứ sở,
đất nước. Người thượng tây nguyên vẫn còn duy trì những lễ cúng
"Yang" (mà ta hay gọi là cúng Ông Giàng: có nghĩa là Thần đất, thần
rừng) rất công phu tốn kém hằng năm. Nói gọn lại là Đức Thần Mẹ Đất Nước. Như
thế Bà được tôn thờ vừa là Thổ mẫu, vừa là Nông thần vì đã dạy dân biết cách
trồng trọt và làm ruộng. Tượng thờ của thần Po Nagar thực ra cứ bị quân xâm
lăng tàn phá hoặc đánh cắp mãi. Bia đá ở tháp Bà còn ghi năm 918 vua
Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng; pho tượng này
về sau bị người Chân Lạp (Khmer) xâm lăng cướp đi vào năm 950, và đã được thay
thế bằng tượng bằng đá. Năm 1203 tháp Po Nagar lại bị quân Chân Lạp chiếm đóng
tàn phá lần nữa, và 7 năm sau vua Paramesvaravarman II mới giải phóng được
Chiêm thành cho trùng tu lại. Nhưng rồi loạn lạc vẫn tiếp diễn liên miên, cho
đến gần đây pho tượng Bà vốn được tạc từ gỗ trầm hương, lại bị người Pháp cướp đi
vào năm 1946, về sau được dân địa phương thay thế bằng một tượng khác mang màu
sắc Việt, còn được gọi là Thánh mẫu Thiên Y A Na.
Những Tháp Thờ Khác
Bên cạnh tháp chính về phía nam
khoảng 20 thước là một ngôi tháp khác bé và ít trang trí điêu khắc hơn, cao
chừng 12 thước, có lẻ là tháp thờ thần Shiva. Cách ngôi này cũng về hướng nam
là một tháp còn nhỏ hơn.ngôi thứ hai. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có
một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con
của Shiva. Nhiều tác giả cho rằng linga là linh tượng có hình thù dương vật
tượng trưng cho Shiva, dựa theo sự diễn dịch của Tây phương hơi thiên về tình
dục. Điều này là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra linga tiêu biểu là một trụ
đá thấp có ba phần khác nhau tượng trưng cho ba linh thể: phần dưới là hình
vuông tượng trưng cho Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho Vishnu,
và phần trên cùng hình tròn tượng trưng cho Rudra (hay còn gọi là Shiva). Vì
thế ta nên gọi là "linh thạch trụ" thì thích hợp hơn.
Ở dãy tháp phía sau có một ngôi
tháp tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu mái
này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn - Vijaya (Bình định ngày nay) sau
khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ thứ 11. Ở tường lại có những
hình điêu khắc như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, xà thần Naga.
Chính dưới nền của tháp này trong khi tu sửa đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã
khám phá và cuổm mất một kho tàng được cất dấu gồm những vật cúng dường bằng
vàng và bạc.
Huyền Thoại Việt Về Po Nagar
Có khá nhiều huyền thoại về nữ
thần Po Nagar tùy theo ảnh hưởng cương thịnh từng thời. Khi tháp Bà rơi vào
thay người Việt và biến thành Thiên Y Thánh Mẫu thì vào năm 1856 Phan Thanh
Giản cho khắc một truyền thuyết đầy màu sắc Việt lên bia đá được dựng ở tháp,
và toàn văn bài bia Tháp cổ Thiên Y đã được chép lại vào sách Đại Nam Nhất
Thống Chí. Theo đó xin được tóm tắt đại khái như sau: Xưa trong vùng Đại Điền
có hai vợ chồng già trồng dưa hấu sinh sống. Khi dưa chín thì về đêm cứ bị phá
trộm. Ông lão rình và thấy một cô gái mới lớn dùng dưa để đùa giởn dưới trăng.
Ông lão vặn hỏi thì biết là trẻ mồ côi bèn đem về làm con nuôi, và hai vợ chồng
rất thương yêu cô gái. Một ngày mưa lụt lớn, nhớ chốn cũ ở Tam thần Sơn, cô
nhập vào một khúc gổ kỳ nam đang trôi về phương bắc. Dân phương bắc thấy gổ
thơm trôi giạt đua nhau gắng sức kéo về nhưng không nổi. Thái tử đang ở tuổi
20, con của vua cai trị nghe tin liền tiøm đến bải biển và lạ thay một mình
khuân được gổ về cung. Từ đấy thường vổ về cây kỳ nam và bồi hồi ngẩn ngơ. Bỗng
một đêm thấy có bóng một cô gái diễm kiều hiện ra, thái tử vội nắm tay giử lại
gặn hỏi và biết được sự tích. Thái tử tâu rõ mọi chuyện với vua cha và được vua
cho kết hôn. Hai vợ chồng sinh được hai đứa con, trai tên là Trí và gái là Quý.
Một thời gian sau lại nhớ chốn cũ ở phương nam, vợ thái tử dắt hai con nhập vào
gổ kỳ nam trôi về cửa Cù Huân, rồi lần về núi Đại Điền nhưng ông bà lão trồng
dưa đã qua đời. Bà liền lập đền thờ. Từ đó bà dạy dân trong vùng biết cách trồng
lúa. Về sau Bà còn cho đục đá ở núi Cù Lao tạc tượng bà, rồi giửa ban ngày bà
thăng thiên biến mất.
Thái tử mãi sau cho người kéo
thuyền đi tìm vợ, nhưng bọn người này khi đến cửa Cù Huân lại hiếp đáp dân lành
và khinh miệt linh tượng, nên chợt có một trận cuồng phong nổi lên đánh úp
thuyền biến thành một tảng đá to. Từ đó dân làng thấy Bà hiển linh thường cỡi
voi trắng đi dạo trên đỉnh núi với tiếng sấm vang động. Có khi bà cỡi tấm lụa
bay giữa không trung hay cỡi cá sấu trong vùng dảo Yến, núi Cù. Dân trong vùng
bèn xây tháp thờ trên núi Cù Lao, cầu khấn việc gì cũng linh ứng. Tháp giửa thờ
Chúa Tiên (tức Thần Thiên Y), tháp bên trái thờ vợ chồng lão trồng dưa, bên
phải thờ thái tử. Phía sau lập đền nhỏ thờ hai ngừơi con. Người Chàm tôn Bà là
Ana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi. Triều Nguyễn phong tặng Hồng Nhân Phổ Tế Linh
Ứng Thượng Đằng Thần và cử ba người dân làng Cù Lao làm Từ phu.
Câu chuyện trên của cụ Phan cốt
để giải thích một cách thi vị các nhân vật được thờ ở tháp Bà, và nó cũng tương
tự như truyền thuyết nàng Mưjưk của người Chàm hiện đang được truyền tụng ở
vùng Ninh thuận và Bình thuận. Khi ảnh hưởng Hồi giáo phát triển vào các tk 14 và 15 thì các huyền thoại về Thánh Mẫu lại biến đổi theo màu sắc Muslim với
tên là Đại nữ thần Mơ-mai-sahai-cadông.
Các Bia Ký Lịch Sử
Khu tháp Bà còn lưu lại nhiều bia
ký cổ nhất của người Chàm. Bergaigne, một nhà khảo cứu người Pháp đã liệt kê
các bia ký theo thời gian như sau: Nhóm A: trên bia đá hình lục giác, do vua
Satyavarman dựng năm 781 ghi chuyện tháp bị giặc biển đốt phá năm 774, việc xây
dựng tượng thần Sri Satya Mukhalinga vào năm 784. Nhóm B: do vua Vikrantavarman
III ghi lại công lao xây dựng của các tiên vương. Hai nhóm C và D: do vua
Vikrantavarman II ghi các lễ vật dâng cúng chư thần. Nhóm E ghi việc vua
Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng vào năm 918
(thực ra chữ Bhagavati chỉ là tiếng xưng tôn kính, chứ chẳng phải là tên thần,
mà tác giả Ngô Văn Doanh ở trong nước hiểu nhầm); pho tượng này về sau bị người
Khmer xâm lăng cướp đi, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá vào năm 965. Bia
đá ở hai bên cửa của tháp chính ghi việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ
thần. Bia ở phía nam của tháp chính ghi việc vua (Jaya) Harivarman I ca tụng
thần Yang Po Nagar vào năm 1178. Bia ở phía bắc tháp chính ghi việc dựng đền
thờ thần Bhagavati Matrilingesvara vào năm 1256.
Ngoài ra còn bia đá dựng năm 1050
của vua Paramesvaravarman I ghi việc tái lập tượng Bà, việc dâng cúng ruộng đất
và nô lệ đủ sắc tộc: người Campa (Chàm), Kvir (Khmer), Lov (Tàu), Pukan (Mã),
Syam (Xiêm) vv... Bia của vua Rudravarman III (Chế Củ) dựng năm 1064 ghi việc
xây cổng tháp rất tốn kém, và liệt kê những cống phẩm quí giá. Bia năm 1143 ghi
lời xưng tụng Bà. Bia năm 1165 của vua Indravarman IV ghi việc dâng cúng một
kim mão cho nữ thần Bhagavati Kautharesvati (Dựa vào lời ghi này ta có thể tạm
dịch là "Đức thánh mẫu vùng Kauthara" và so sánh với các bia khác, có
thể đoán là người Chàm chỉ thờ thần Parvati như Thánh Mẫu của từng địa phương;
ví dụ ở Phú Yên và Ninh thuận cũng có tháp thờ Thánh Mẫu của vùng đó, chứ chưa
hẳn là ở mức độ toàn xứ Champa, như tác giả Ngô Văn Doanh quyết đoán). Các
bia sau cùng ở thế kỷ thứ 13 hay 14 tiếp tục ghi những vật dâng cúng Bhagavati.
Với ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa
Ấn độ, khu tháp Bà ban đầu được người Chàm xây dựng để thờ các vị thần Brama,
Vishnu và Shiva của Ấn Độ giáo; nhưng họ lại đặc biệt tôn thờ các thần Parvati
hay Uma là những hoá thân nữ của thần Shiva, được xưng tụng là Po Nagar (Thánh
Mẫu) để cầu mong Bà che chở cho dân tộc Chàm. Bà còn được xưng danh là Thánh
Mẫu Thiên Y Ana.
Thanh Trà
Thanh Trà