Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Di sản Champa trong lòng Quảng Trị





Trong diễn trình lịch sử của Quảng Trị có một thời gian khá dài gần một thiên niên kỷ đất này thuộc lãnh thổ vương quốc cổ Chămpa.
Trước khi khi chịu sự phán quyết nghiệt ngã của lịch sử trong quy luật tồn tại, bộ phận dân cư của dân tộc này đã vừa phải kiên trì vật lộn với những thử thách nghiệt ngã của tự nhiên, vừa phải đương đầu với nhiều thế lực của xã hội trong cuộc giành giật sinh tử để không ngừng tạo lập và phát triển vương quốc.
Quá trình xây dựng và đấu tranh để sinh tồn của bộ phận cư dân Chămpa trên vùng đất quảng Trị không chỉ tạo ra được những cơ sở có tính chất tiền đề cho sự phát triển vững chắc của vùng đất này mà còn để lại nhiều dấu tích về một nền văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Quảng Trị.Đến nay, văn hóa Chămpa đã không còn là một bộ phận tồn tại độc lập và song hành với chính chủ nhân của nó. Tất cả đã hòa chung vào dòng chảy của văn hóa người Việt Quảng Trị - lớp người kế nhiệm/kế tục/kế thừa những gì trước đó, biến hóa cái của tiền chủ thành cái của hậu chủ. Sự “hợp thức hóa" khá mềm dẻo, khôn ngoan của người Việt trên nền các di sản văn hóa người Chăm ở cả lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần để làm đa dạng, phong phú cho vốn liếng di sản của mình âu cũng là một thế ứng xử rất văn hóa của người Quảng Trị nói riêng, người Việt Nam nói chung.
Văn hoá Chămpa ở Quảng Trị cho đến nay tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng nhìn chung tập trung vào các loại hình tiêu biểu đáng chú ý là: Đền tháp - thành luỹ - hệ thống các công trình khai thác nước và mộ táng.
1. ĐỀN THÁP
Quảng Trị hôm nay, các đền tháp Chăm không còn soi bóng xuống các dòng sông Sa Lung, Bến Hải, Vịnh Định, Thạch Hãn, Cổ Hà nữa, song vẫn còn có rất nhiều những địa điểm có dấu tích về sự hiện diện của các công trình đền tháp. Qua nhiều năm nghiên cứu, khảo sát thực địa ở các địa phương trên cơ sở xác minh những địa điểm đã được người Pháp thống kê cũng như những địa điểm mới được phát hiện thêm, chúng tôi đã thống kê được một danh mục gần 30 phế tích thuộc dạng đền tháp. Trong số này bao gồm: Duy Viên (xã Vịnh Lâm), Nam Sơn, Huỳnh Xá (xã Vĩnh Sơn), thuộc huyện Vĩnh Linh; An Xá (xã Trung Sơn), Phường Sỏi (xã Do Phong), Hà Trung (xã Do Châu) thuộc huyện Do Linh); Kim Đâu (xã Cam An), Định Xá, Lâm Lang (xã Cam Hiếu) thuộc huyện Cam Lộ; Trương Xá (phường IV), Đông Hà (Phường III) thuộc thị xã Đông Hà; Trâm Lý (xã Hải Quy), Trà Lộc (xã Hải Xuân), Câu Hoan (xã Hải Thiện), Trung Dân (xã Hải Thành), Trường Sánh (xã Hải Trường) thuộc huyện Hải Lăng; Thạch Hãn (phường 2) thuộc thị xã Quảng Trị); Dương Lệ, Võ Thuận (xã Triệu Thuận), Trà Liên (xã Triệu Giang), Ngô Xá (xã Triệu Trung), Bích La (xã Triệu Đông), Nhan Biểu, Đa Nghi (xã Triệu Thượng), Quảng Điền (xã Triệu Đại), Phương Sơn, Thượng Trạch (xã Triệu Sơn) thuộc huyện Triệu Phong. Các địa điểm di tích này được gọi tên theo tên địa danh của các làng. Một vài nơi khác như An Lộng, Bích Khê, Đại Hào, Liêm Công... có được các nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý đầu thế kỷ nhưng nay đã không còn dấu vết gì .
Do những biến động mạnh mẽ và thường xuyên của các điều kiện tự nhiên, xã hội nên cho đến nay, tất cả các địa điểm mang dấu tích đền tháp kể trên chỉ còn tồn lưu dưới dạng phế tích với những cồn đất mang các tên gọi như Cồn Giăng, Lùm Giăng, Lòi Giăng...; với các đống gạch vụn nát, các thành phần kiến trúc, các phù điêu, các đối tượng nguyên là các vị thần Chăm nằm ngổn ngang và bên trên đó thường là những ngôi miếu thờ của người Việt. Những năm gần đây, nhiều địa điểm di tích bị huỷ hoại một cách nghiêm trọng, một phần do bom đạn của chiến tranh, nhưng phần khác là do nhân dân địa phương đào bới để lấy đất, lấy gạch hoặc tìm những cổ vật quý Chăm pa.
Cách đây gần trọn một thế kỷ, vào năm 1905, linh mục Cadière đã tiến hành khảo sát và lập một danh mục khá đầy đủ về các địa điểm có dấu tích đền tháp Chăm trên toàn khu vực Bình Trị Thiên, trong đó Quảng Trị là địa bàn có số lượng nhiều di tích hơn cả. Từ đó cho đến nay, lần theo những trang tư liệu có tính chất gợi mở này, các nhà nghiên cứu đã một mặt xác định lại tính chân thực của những địa điểm đã phát hiện; mặt khác cũng đã tìm thêm được một số địa điểm mới. Có di tích do bị đào bới mà tình cờ phát hiện, lại có di tích đã được các nhà nghiên cứu tiến hành khai quật; nhưng dù cố gắng đến mấy thì trên một thực tế của sự hoang tàn, đổ nát như vậy, các kết quả nghiên cứu, thẩm định cũng chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, mô tả, cao hơn một chút là sự đánh giá, phác thảo một chân dung mờ nhạt dựa trên cơ sở những gì có thể nhìn thấy được, cảm nhận được chứ khó có thể đạt đến do chính xác hoàn toàn như những gì mà di tích vốn có. Tuy nhiên, với những gì hiện còn, có thể thấy rằng ở một địa bàn không lấy gì làm rộng lớn như Quảng Trị thì việc tồn lưu một số lượng đền tháp như thế quả thật xứng đáng để gọi là "xứ tháp" của khu vực Bình - Trị - Thiên. Đó là một đặc điểm nổi trội hơn hẳn trong toàn khu vực. 
Địa bàn phân bố của các đền tháp nằm rải rác khắp nơi từ vùng ven biển lên tận vùng đồi trung du, nhưng mật độ nhiều nhất vẫn là ở đồng bằng - nơi nguyên là những làng cổ Chăm. Cũng như các nơi khác trong lãnh thổ của vương quốc Chămpa, đa số các đền tháp ở Quảng Trị thường được dựng trên những mô đất cao vùng gò đồi hay ven triền các cồn cát. Một số khác dù nằm giữa vùng đồng ruộng (như tháp Kim Đâu, Trung Đơn, Ngô Xá, Bích La, Quảng Điền) thì địa điểm tọa lạc đều ở các cồn đất có địa hình dương từ 5 - 10m. Trên từng bậc địa hình từ đông sang tây ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp các dấu tích đền tháp: Phía tây cồn cát ngoài gần biển (Đại Trường Sa) là di tích ở Phương Sơn/An lưu. Giữa hai dãi cồn/đụn cát (thuộc vùng đồng ruộng) là các di tích ở Bích La, Trung Đơn, Dương Lệ, Quảng Điền, Ngô Xá... Trên dải cồn/đụn cát trong (Tiểu Trường Sa) là các di tích ở Trà Lộc, Câu Hoan, Hà Trung, Đa Nghi... Vùng tiếp giáp các đồi trung du là các di tích ở Phường Sỏi, Huỳnh Xá, Duy Viên, Lâm Lang, Trương Xá, Đông Hà, Nhan Biểu...Vùng trên cùng, ở cuối địa hình đồi là tháp An Xá.
Quy mô các đền tháp Chăm ở Quảng Trị nói riêng, vùng phía bắc vương quốc Chăm pa nói chung thường có kích thước vừa và nhỏ, ít có những khu đền tháp lớn, tập trung với những ngôi tháp đồ sộ, uy nghi như Mỹ Sơn, Đồng Dương, PÔ Naga... Đền tháp là công trình kiến trúc tôn giáo của người chăm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ nên các kalan là hình ảnh thu nhỏ của "trung tâm vũ trụ” trên núi Mêru, nơi ngự trị của các thần linh theo tín ngưỡng thờ các vị thần ở hạ giới nên được tuân thủ theo những quy định chặt chẽ. Do là bố cục hướng tâm, các trục xoay ra bốn hướng, mặt tiền cũng như cửa chính quay về hướng đông - hướng của các vị thần linh và cũng là hướng của tầm nhìn chiến lược về biển của người Chăm.
Bên cạnh những khu đền tháp được xây dựng tập trung theo mô hình một kalan thờ thần chính (thường là bộ ngẫu tượng Linga - Yoni: thể .hiện quan niệm thờ sinh thực khí, biểu trưng của sáng tạo bằng sự sinh sôi, nảy nở) ở trung tâm và vài kalan thờ các thần phụ (thuộc bộ 3: Brahma - đấng sáng tạo, Shiva - đấng hủy diệt, Visnu - đấng bảo tồn hoặc các vị thần liên quan gần gũi với "tam vị nhất” theo này) vây xung quanh là những đền tháp được xây dựng theo mô hình đơn lẻ, dưới dạng độc tháp. Các khu tháp được xây dựng có quy mô lớn, tập trung vốn là "thánh địa" của một vùng, nơi hành hương, hành lễ hàng năm, còn các tháp nằm đơn lẻ vốn chỉ là các đền thờ của một hay nhiều grama (làng xã), nơi nhân dân vẫn đến lễ bái thường ngày.
Có bốn địa điểm thuộc di tích đền tháp ở Quảng Trị qua các dấu tích hiện còn có thể thấy chúng là những trung tâm tôn giáo của mỗi vùng trong toàn bộ địa bàn này. Đó là:
- Hà Trung - ngôi đền Indrakantesvara của Hoàng hậu Tribhuvanadevi và An Xá - trung tâm tôn giáo của vùng châu Ma Linh.
- Trương Xá (thượng nguồn sông Hiếu) và Dương Lệ - trung tâm tôn giáo của vùng bắc châu ô.
- Câu Hoan - trung tâm tôn giáo của vùng nam châu ô.
Trong số này, ngoại trừ ngôi đền Indrakantesvara thì các khu đền tháp khác đều lấy biểu tượng của bộ sinh thực khí Linga - Yoni làm đối tượng thờ chính, đặt ở tháp trung tâm và vây quanh nó là từ ba đến bốn kalan trở lên. Đặc biệt, Ở khu tháp Dương Lệ, với những dấu vết hiện còn qua các cấu kiện kiến trúc, nền móng..., nhất là kích thước to quá cỡ của bệ Yoni, có thể coi đây là một cụm tháp lớn hơn cả và hẳn là nó đã giữ vai trò như một thánh địa không chỉ của vùng bắc châu Ô xưa mà còn là của cả một vùng khá rộng lớn thuộc vùng bắc vương quốc Chăm pa (ít nhất là từ nam châu Rí đến châu Ma Linh dưới các thế kỷ từ VII đến XIII).
Ngoài các khu đền tháp có quy mô lớn như đã nêu trên, các đền tháp còn lại ở Quảng Trị hoặc được xây dựng theo mô hình một vài tháp với quy mô nhỏ, hoặc dưới dạng tháp đơn lẻ (chỉ có 1 kalan). Những tháp này cũng đều thờ Linga/Mukhalinga - Yoni. hoặc những vị thần khác như Nandin, Shiva, Buddha, Dvarapata...
Các đền tháp Chăm ở Quảng Trị qua những dấu tích còn lại cho thấy đa phần đều sử dựng nguyên liệu chính là gạch nung. Một số tháp sử dụng kỹ thuật kết hợp gạch nung với đá (sa thạch - mè), nhưng thường rất ít, chỉ ở những cấu kiện trụ cửa, bậc cửa, lin tau, các khối đá bó vỉa ở móng tháp, bệ thờ, đài thờ, vật trang trí... (như Hà Trung, An Xá, Bích La, Dương Lệ, Trà Liên, Trung Đơn...), còn một số tháp khác hầu như chỉ xây bằng gạch (như Trà Lộc, Quảng Điền, Lâm Lang, Trương Xá, Trường Sánh, Nhan Biểu...). Trong số các công trình có sử dụng vật liệu đá thì Hà Trung là tiêu biểu. Ỡ đây theo khảo tả của H.Parmentier là thuộc một dạng kiến trúc đặc biệt, có năm tảng đá khổng lồ bằng sa thạch (hiện còn bốn tảng) nguyên là cột của một gian nhà lớn kiểu như ngôi nhà cột Đồng Dương và PÔ Naga; bên cạnh nhiều cột ốp (ít nhất là 10 cột) cùng với rất nhiều các cấu kiện khác có kích thước lớn được sử dụng bằng đá, cụ thể là tập trung vào công trình mà ông cho là thuộc một kiến trúc thấp như Mỹ Sơn B5 hay kiến trúc dài của Tháp Bạc. Đó là chưa kể các bệ cột, các đài thờ, các trang trí kiến trúc khác. Ngô Văn Doanh thì cho rằng: "Hà Trung là khu kiên trúc Chăm pa duy nhất hiện được biết dùng nhiều đá nhất để làm các bộ phận kiến trúc khác nhau” Việc những người thợ Chămpa xây cất nên các công trình sử dụng nhiều khối đá sa thạch có kích thước lớn tại một vùng đất hoàn toàn vắng bóng nguồn vật liệu này, quả là một bí ẩn kỳ tài về phương cách vận chuyển và tạo tác.
Cách thức, kỹ thuật xây dựng những tháp gạch Chămpa ở Quảng Trị cũng giống như nhiều nơi khác trên khu vực miền Trung, cho đến nay vẫn còn là những ẩn số. Tuy nhiên, trên thực tế tại các phế tích đền tháp đã sụp đổ, một đặc điểm chung là người ta khó tìm thấy (hoặc có thì cũng rất ít) những viên gạch còn nguyên vẹn mà chỉ toàn là những mảnh vỡ vụn nát không định hình, thậm chí ở một vài nơi, dù đào bới đến phần móng cũng chỉ thấy những lớp gạch dã mụn ra thành đất. Điều này bởi nhiều lý do, trong đó có sự tác động mạnh mẽ của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện lịch sử phức tạp và đầy biến động của vùng đất này; nhưng xét cho cùng thì cũng có thể thấy rằng các tháp Chăm ở Quảng Trị đều được sử dụng loại gạch có độ nung thấp. Ớ một số nền móng tháp như Hà Trung, An Xá, Dương Lệ... tuy còn một ít gạch nguyên được tìm thấy trong các đợt khai quật nhưng độ nung không cao. Đó là những viên gạch có kích thước lớn hơn nhiều so với gạch người Việt hiện đại; độ dày, mỏng, to, nhỏ tương tự nhau; chúng thường có màu nâu non và ở bên trong có lõi màu nâu đen. Giữa các viên gạch hoàn toàn không tìm thấy những dấu hiệu về việc sử dụng chất kết dính mà chỉ như là được xếp chồng lên nhau theo từng lớp. Vấn đề về cách thức và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm mặc dù còn tồn nghi với nhiều giả thiết đang tiếp tục được các nhà nghiên cứu tìm tòi, song có thể nói bên cạnh những đặc điểm chung thường thấy ở các nơi thì chắc chắn những người thợ xây dựng các tháp Chăm ở Quảng Trị đã có một trình độ kỹ thuật cao, một sự sáng tạo vượt bậc và có sự linh hoạt chút ít trong phương pháp để tùy thuộc vào điều kiện của địa phương mình. Điều đáng ngạc nhiên là cho đến nay, trên các phế tích đền tháp ở Quảng Trị, chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra những viên gạch Chăm có trang trí. Điều này có lẽ do tất cả những lớp gạch có trang trí ở các đền tháp đã bị mủn nát, không còn nguyên hình dạng nên không thể nhìn thấy được các hoạ tiết trang trí.
Về niên đại xây dựng các đền tháp Chăm thì cho đến nay chưa có một dấu hiệu nào để có thể làm căn cứ xác nhận được một trong số hơn. 20 địa điểm mang dấu tích đền tháp ở Quảng Trị có trước thế kỷ VIII. Dĩ nhiên, không thể loại trừ một số ngôi tháp được xây dựng vào thời gian trước đó mà do nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận. Tháp có niên đại sớm nhất mà chúng tôi biết được qua phong cách nghệ thuật điêu khắc đá là Bích La Trung. Tấm phù điêu lá nhĩ (tympan) tạc hình Shiva múa điệu vũ trụ (tandra) hiện đang trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật Chăm Đà Năng được mang về từ tháp Bích La đã được các nhà nghiên cứu xác định là thuộc phong cách Hòa Lai (đầu thế kỷ IX). Tuy nhiên, theo pho tượng Shiva khất thực tìm được ở Trâm Lý mà chúng tôi nghi là thuộc tháp Trà Lộc thì địa điểm này có khả năng thuộc thời kỳ sớm nhất: phong cách Mĩ Sơn El (thế kỷ VIII). Tháp có niên đại muộn hơn cả là Trung Đơn được xác định bởi phù điêu thủy quái Makara mang phong cách Trà Kiệu (thế kỷ XI). Các ngôi đền tháp khác như Hà Trung, Dương Lệ, Câu Hoan, Trà Liên, Duy Viên, An Xá... qua những dấu vết còn lại đều cho thấy chúng hoặc sớm hoặc muộn đều thuộc thời đại Đồng Dương (cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X).
Có một địa điểm được xác định niên đại xây dựng tương đối chính xác là khu đền tháp Hà Trung. Thông qua nội dung của cột bia ký chạm dày đặc chữ Chăm cổ ở cả bốn mặt, nhà nghiên cứu Majumdar xác định ngôi đền được xây dựng vào năm 838 saka (năm 916 tây lịch) dưới thời vua Indravarman. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học của Trung tâm Văn hoá Việt Nam (Đại học quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Quảng Trị trong đợt khai quật khu tháp An Xá tháng 7-1993 cũng đã khẳng định cụm tháp này được xây dựng trong thời đại đầu Đồng Dương.
Như vậy, có thể nói trong bốn thế kỷ từ VIII đến Xi là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chămpa trên vùng đất Quảng Trị. Sau đó, vì không thể chống cự nổi trước sức mạnh Nam tiến của người Việt nên lãnh thổ Chăm pa ngày một thu hẹp dần kể từ cuộc chinh phạt của Lý Thường Kiệt đầu thế kỷ XI cho đến khi mất hết quyền sở hữu đất đai, kể cả quyền sở hữu các công trình văn hóa để tan biến vào trong cộng đồng người Việt tại xứ này sau thế kỷ XIV. Điều này lý giải vì sao các đền tháp ở Quảng Tri không có niên đại muộn hơn thế kỷ XI.
2. THÀNH LŨY
Trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Trị qua những cứ liệu thực tế và sự lưu truyền trong dân gian cho thấy hiện có hai địa điểm liên quan đến những công trình kiến trúc thành lũy mà cho dù trải qua thời gian đã trở nên hoang phế nhưng vẫn còn để lại những vết tích đáng tin cậy. Đó là địa điểm Bến Lũy thuộc làng Cổ Lũy, xã Vinh Giang, huyện Vĩnh Linh và địa điểm nằm ở phía tây nam khu chợ Thuận thuộc làng Vệ Nghĩa, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong.
Cả hai công trình hiện chỉ cỏn những dấu tích mờ nhạt, nhưng dựa vào những chứng cứ về khảo cổ học trên trục lịch đại với các hiện vật thuộc nền văn hóa trước và trong thời kỳ Chămpa cũng như sự quy chiếu về mặt địa lý, lịch sử... trong khu vực tọa lạc của những địa điểm này, các nhà nghiên cứu đã bước đầu phục dựng lại được quy mô, cách thức xây dựng, phác họa được bối cảnh ra đời, sự tồn tại và ý nghĩa của các công trình nói trên và khẳng định chủ kiến tạo ban đầu là thuộc về một dân tộc bản địa có trước người Việt: người Chăm. Đây chính là hai tòa thành được gọi theo hai tên: thành Cổ Lũy (gọi theo tên địa danh) và thành Thuận Châu (gọi theo cách hiểu là thành cũ của châu Thuận từ thời nhà Trần).
Thành Cổ Lũy và thành Thuận Châu đều được xây dựng trên vùng đồng bằng ven biển, gần các con sông chính trong vùng là sông Bến Hải/Hiền Lương (sông Hồi/sông Minh Lương) và sông Thạch Hãn, đặc biệt là gần hai cửa biển: Cửa Tùng (cửa Tùng Luật), Cửa Việt (cửa Việt Yên) nhằm tạo ra tại những nơi này các lỵ sở hành chính gắn kết với các thị tứ để vừa thiết lập nên trung tâm chính trị, đồng thời làm nhiệm vụ trấn giữ những địa bàn xung yếu ven biển - nơi nối thông từ bên ngoài với các vùng đồng bằng dân cư rộng lớn ở hai phía bắc và nam của khu vực Quảng Trị. Người Chăm với con mắt nhìn chiến lược về biển cũng như có nhiều lợi thế về mặt quân sự biển nên các trung tâm chính trị, quân sự được đặt không xa so với cửa biển. Từ đây theo các trục sông về phía tây là những trung tâm tôn giáo (đền tháp/thánh địa) nối kết chặt chẽ với các trung tâm thương mại (cảng sông, cảng biển) về phía đông để tạo ra thế liên hoàn. Sự gắn bó mật thiết giữa trung tâm chính trị, quân sự, trung tâm văn hóa và kinh tế đã trở thành một mô hình tương đối trọn vẹn, có ý nghĩa nhiều mặt trong chiến lược quốc phòng và phát triển dân sinh.
Thành lũy của người Chăm ở Quảng Trị là kết quả của nghệ thuật sử dụng triệt để những gì đã có của tự nhiên như địa hình, cung đường, sông nước... để phát triển lên một trình độ hoàn thiện, làm cho nó trở thành những pháo đài phòng thủ chắc chắn, tiện cho việc giao thương về kinh tế, văn hóa, xã hội trên vùng mà nó chi phối.
Thành Cổ Lũy và thành Thuận Châu là hai tòa thành cổ giữ vai trò trọng yếu trong hai khu vực thuộc châu Ma Linh và Châu Ô xưa. Kiến trúc của thành đều được đạp bằng đất, thường có hình chữ nhật, bốn mặt là các lũy đất. Cấu tạo của lũy là nền đất nện chặt, kè đá củ đậu (đá cuội) hoặc đá ong lẫn lộn. Chiều cao của lũy không lớn (cao nhất chỉ chừng hơn 5m). Ớ một vài nơi của hệ thống tuy, qua thực tế hiện còn cho thấy có dấu hiệu về sự tồn tại của những mảng tường thành được đạp bằng gạch, tuy nhiên đấy có thể chỉ là những điểm nguyên là cổng thành hoặc là bề mặt của thân thành phía bên trong. Xung quanh lũy là hệ thống hào thành rập rờn sông nước được tận dụng từ chiều uốn khúc của các con hói, nhánh sông. Bên trong là bãi đất bằng rộng dùng xây dựng các dinh thự, kho tàng. Bên ngoài thành là khu vực thị tứ, nơi giao lưu buôn bán tấp nập nhờ mạch nối của các trục đường giao thông thủy, bộ.
Thời điểm có sự hiện diện của thành Cổ Lũy và thành Thuận Châu trên vùng phía Bắc vương quốc Chăm pa có thể đã bắt đầu từ thế kỷ IV - V trong thời kỳ hình thành và phát triển của vương triều Gangaraja. Những tài liệu hiếm hoi về các tòa thành cổ Chămpa đã không cho phép chúng ta khẳng định qui mô, cách thức và kỹ thuật xây dựng, càng không thể biết được điều gì chính xác về thời gian hình thành. Tác giả Phan Khoang trong "Việt sử xứ Đàng Trong" cho rằng "từ đời Phạm Văn, người Chăm đã biết thuật xây thành, đắp lũy, họ kiến trúc những tường thành bằng gạch, có những tháp canh bằng đá để bảo vệ những thành thị". Chúng tôi cho rằng rất có thể người Chăm đã biết kỹ thuật đắp các lũy thành bằng đất sớm hơn. Song dù sao, qua một số nguồn thư tịch cổ Trung Hoa và Đại Việt cho chúng ta biết rằng vùng đất Bình Trị Thiên chính thức thuộc về người Chăm từ giữa thế kỷ IV, dưới thời Phạm Văn nên việc xây dựng các công trình quân sự để phòng thủ, chống lại sự xâm lấn của thế lực phong kiến Trung Hoa hẳn đã phải thực hiện trong khoảng thời gian này. Cố nhiên, các thành lũy Chăm pa chắc chắn là sự nâng cao hơn, hoàn thiện hơn từ những đôn lũy của chính quyền đô hộ Trung Hoa tại quận Nhật Nam. Nó cũng như về sau này, khi còn xẩy ra cuộc tranh chấp Chăm - Việt (thế kỷ XI - XIV), nhà Trần đã sử dụng và sửa sang lại thành Thuận Châu và Hóa Châu. Học giả Đào Duy Anh cho rằng "chỗ thành Thuận Châu của nhà Trần, xưa kia có lẽ là trị sở Ô Châu của Chiêm Thành. Chúng tôi ngờ rằng thành Chu Ngô của nhà Hán ở vào khoảng ấy”. Như vậy, rất có thể thành Thuận Châu được xây dựng trên nền tảng của thành Chu Ngô - một thời gian từng là quận trị của quận Nhật Nam; còn thành Cổ Lũy là sự nâng cấp từ một đồn lũy quân sự trấn giữ, bảo vệ cảng biển Cửa Tùng dưới thời nhà Hán. Thành Cổ Lũy có thể đã chấm dứt vai trò của mình từ trước thời nhà Trần (thế kỷ XIII); còn thành Thuận Châu vẫn được người Việt sử dụng suốt trong các thế kỷ XIV - XV - XVI. Sau năm 1558, khi Nguyễn Hoàng chọn ái Tử để xây dựng thủ phủ Đàng Trong của nhà Chúa Nguyễn (cách Thành Thuận 2km về phía tây) thì tòa thành này chỉ còn được sử dụng làm lỵ sở của một huyện: huyện Vũ Xương (sau đổi thành Đăng Xương). Tầm nhìn chiến lược về biển của người Chăm đến đây đã được thay thế bằng con mắt nhìn chiến lược về vùng núi và trung du của người Việt.
3. CÁC CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC
Trên vùng đất luôn khô rát, cháy bỏng bởi gió Lào mà người Quảng Trị từ xưa đến nay phải gánh chịu thì nhu cầu về nước luôn là nỗi khát vọng ám ảnh và trở thành nỗi trăn trở ngàn đời buộc các thành phần cư dân nơi đây phải luôn tìm cách tạo ra cho mình những cách thức kỹ thuật cốt làm sao khai thác được nguồn nước phù hợp với điều kiện địa lý, thủy văn của vùng đất mình cư trú. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Trị thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau đã không ngừng vật lộn với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, không ngừng sáng tạo và liên tục kế thừa những thành tựu văn hóa của nhau trong lĩnh vực khai thác nguồn nước, trong đó có thành quả quan trọng của một bộ phận cư dân Chăm pa. Hệ quả của sự sáng tạo và kế thừa này đã sản sinh ra hàng loạt những công trình khai thác nước cổ với tính chất, quy mô, kỹ thuật giống và khác nhau tồn tại cùng thời gian cho đến tận ngày nay.
Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng theo sự ảnh hưởng của điều kiện địa hình. Nếu không tính các công trình thuộc sản phẩm riêng biệt của người Việt giai đoạn sau này thì hệ thống khai thác nước cổ (mà chúng tôi cho là của người Chăm) ở Quảng Trị
bao gồm các loại hình với các đặc điểm sau đây:
a. Hệ thống các công trình khai thác nước gồm nhiều thành phần cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa hình dạng, đa chức năng, nằm ven các triền đồi đất đỏ bazan hoặc ven các triền đồi cát vùng đồng bằng và ven biển để nhằm khai thác mạch nước nổi (phun lộ thiên hay phun ngầm). Hệ thống này bao gồm những công trình mang tính chất “dẫn thủy nhập điền" có vai trò thủy lợi cao, được nhân dân các địa phương quen gọi là giếng với các tên gọi: giếng Bà, giếng Ông, giếng Lợi, giếng Gai, giếng Kình, giếng Đào, giếng Côi, giếng Dưới, giếng Trạng, giếng Máng, giếng Tép, giếng Pheo, giếng Đàng, giếng Mới... Ở vùng đất đỏ bazan tây Do Linh (Do An, Do Sơn); giếng Đắn, giếng Ba Vòi, giếng Mài Rạ... Ở vùng đất đỏ đông nam Vinh Linh (Vinh Hiền, Vinh Thành), giếng Mới, giếng Làng, giếng Chùa, giếng Đá Ở vùng cồn cát đông Do Linh (Do Mỹ).
Hệ thống này vận dụng triệt để những ưu điểm tự nhiên vốn có tại các bề mặt địa hình để tạo ra những cấu trúc, cách thức kỹ thuật phù hợp trên cơ sở sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ. Có loại cấu trúc gồm nhiều thành phần phức tạp, liên hoàn với nhau tạo thành hệ thống (systèms) với sự có mặt của các bể lắng (bassin supérieur), máng/vòi dẫn diệc dễ cu ve), bể hứng (bassin d'alimentation), vũng (puits'), các mương phai bên cạnh những hồ chứa, đập nước cùng tham gia vào quá trình lưu thông dòng chảy (như giếng Đào, giếng Trạng làng An Nha, giếng Máng làng Long Sơn, giếng Gái làng Thanh Khê xã Do An...); lại có loại chỉ cấu trúc đơn giản, gồm một, hai thành phần với. bể và mương dẫn (như giếng ông, Giếng Bà, giếng Tép Giếng Gai làng Hảo Sơn xã Do An...) hoặc chỉ là những hố đào sâu xuống đất có kè đá xung quanh dạng vuông hay tròn nằm độc lập để nhận nước ngầm thấm ra từ vách của một giếng bên trên (như giếng Đắn, giếng Mới, giếng Trạng làng Liêm Công xã Vĩnh Thành...).
Có loại không hề sử dụng nguyên liệu đá mà chỉ đắp bằng đất, hoặc kè chắn xung quanh thành giếng bằng một ít gạch, các tấm gỗ, cọc tre (như các giếng ven cồn cát làng An Mỹ xã Do Mỹ, các giếng Khai, giếng Mới, giếng Chùa Ở làng Thủy Tú, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh); cũng có loại sử dụng nguyên các viên đá từ trong tự nhiên (đá ong, đá bazan) hoặc được chế ra theo cách chế tác giản đơn để xây những bể lắng bể hứng, mương dẫn bằng kỹ thuật xếp, kè đá (các giếng đá xếp ở các làng Hảo Sơn, An Nha, An Hướng, Phường Xuân, Thanh Khê xã Do An); bên cạnh đó, lại có loại xây dựng công phu bằng cách xếp chồng những bi đá hình tròn được chế tác theo kỹ thuật đẽo, mài trình độ cao để tạo ra bể chứa (có nơi lại có lỗ thoát nước ra ngoài qua thành giếng) hay xếp những viên đá được chế tác có bề mặt nhẵn dùng lát nền quanh thành giếng (như giếng Pheo, giếng Mới, giếng Đàng, Giếng Boong Ở tây Do Linh (Tân Văn, Do An), giếng Đá Ở đông Do Linh (Như Thượng, Do Mỹ).
Tuy vậy, về mặt chức năng, tất cả các công trình này đều nhằm vào mục đích là cung cấp nguồn nước để không chỉ phục vụ cho sinh hoạt con người mà còn phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho ăn uống, tắm giặt, chăn nuôi, trồng trọt của cư dân địa phương. Cơ chế hoạt động của các công trình khai thác nước trong hệ thống này đều tuân thủ theo nguyên tắc: nước tự chảy. Tức là nước từ mạch ngầm tự dâng ở một bể chứa, sau đó do vào các bể, rảnh theo lối nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Gs. Trần Quốc Vượng cho rằng: “Đây là một loại hình công trình thủy lợi có một chưa hai đặc trưng của Quảng Trị".
b. Hệ thống các giếng đơn mang hình ảnh của loại giếng khơi được đào sâu xuống dưới mặt đất để khai thác mạch ngầm. Chức năng của hệ thống này chỉ thuần túy lấy nước dùng cho sinh hoạt và hoàn toàn không bao hàm ý nghĩa về thủy lợi. Cấu trúc của loại giếng này có hình vuông hoặc tròn, xếp đá gốc (như các giếng Thồ Lồ làng Tùng Luật, giếng Làng làng Nghĩa An...) hay những phiến đá chế có kích thước lớn, được đục đẽo công phu xếp theo kỹ thuật đơn giản (như giếng Tây, giếng Tô làng Lâm Xuân), hoặc có khi lại được gắn kết bởi kỹ thuật xẻ ngoạm, khớp mộng chốt giữa các phiến đá với những trụ đá (hoặc trụ gỗ) kè 4 góc; lại có khi kết hợp vừa xếp đá ong chế, vừa kè chắn bởi các tấm đá phiến có kích thước lớn được tạo dáng đẹp ở quanh vách; (như giếng Đá làng Kim Đâu, giếng đá làng Cẩm Thạch, làng An Xuân); các giếng nửa đá, nửa gạch (trên xếp gạch, dưới kè đá hay dưới xếp gạch trên kè đá) dưới đây có lát gỗ (như giếng Xóm làng Bích Khê, giếng Chùa làng Đại Hào, giếng Chợ ở chợ Thuận), hoặc chỉ xếp bằng gạch (như giếng Gạch làng Hà Trung)...
Những công trình khai thác nước thuộc hai hệ thống này trải qua thời gian có một số đã trở nên hoang phế, một số khác đã được cải tạo lại để phù hợp với nhu cầu của nhân dân địa phương, nhưng nhìn chung chúng đều là những giếng có mạch nước trong vắt vọt lên, tiết ra, rỉ ra từ lòng đất, dưới chân các triền đồi. Quanh năm suốt tháng, các giếng này không bao giờ cạn. Đó là những công trình phục vụ đắc lực cho sinh hoạt con người và sản xuất nông nghiệp.
Gần một thế kỷ qua, hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị (nhất là hệ thống giếng vùng tây Do Linh) luôn là đối tượng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước với nhiều cách tiếp cận và giải thích các vấn nạn một cách khác nhau.
M. Colani dựa vào các dầu vết tín ngưỡng (tục thờ đá, thờ cây, thuật phong thủy, mồ mả cũ), đối sánh cách khai thác nước vùng này với các phương thức thủy lợi của người Việt và người Chăm, dẫn các chứng cớ dân tộc học của các tập đoàn thiểu số vùng Assam ở Đông Bắc ấn và Indonésia rồi đi đến kết luận: Hệ thống thủy lợi Quảng Trị "là thuộc về một dân tộc lạ, chắc đã để lại hậu duệ ở Quảng từ nhưng là một số rất nhỏ, đã bi chìm vào trong tổng thể".
L.P. Cadière tán đồng quan điểm với M. Colani về chủ nhân ngoại lai của các công trình khai thác nước ở Quảng Trị bằng cách đưa ra dấu vết còn lại của một thương điếm (emporium) có tên là Phường Hàng ở làng Mai Xá, trạm thuế quan Cửa Tùng rồi cho rằng những người đi biển đã dấn đây từ thời xa xưa và thâm nhập vào các vùng đất bên trong, chủ yếu theo hướng nam tây. Cuối cùng ông nhận định: Những người xây dựng (những hệ thống) ở Do Linh "là những người đi biển tới từ Indonésia hay hậu duệ của họ".
Tạ Chí Đại Trường đưa ra một loạt phản biện xác đáng và hợp lý đối với những giả thiết "ngoại lai", từ đó dựa vào các cứ liệu lịch sử và những lập luận của mình để đi đến một giải đáp mà theo ông là “thừa giản dị": "Hệ thống thủy lơi dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp ở Do Linh là của những chiến tù (nhà Mạc) 1572 ".
Bên cạnh những quan điểm nói trên, nhiều công trình của các nhà nghiên cứu đã nêu ra và thiên về ý kiến cho rằng chủ nhân của hệ thống các công trình khai thác nước ở tây Do Linh nói riêng, Ở đông Do Linh, Vinh Linh, Cam Lộ và nhiều nơi khác trên địa bàn Quảng Trị nói chung là thuộc về người Chăm. Những kiến giải này một mặt dựa vào các chứng cứ văn hóa, lịch sử về sự tồn tại gần một thiên niên kỷ của cư dân Chăm tại Quảng Trị; mặt khác, căn cứ vào các kết quả nghiên cứu điền dã về khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học tại địa phương làm cơ sở để đưa ra những lập luận khá đầy đủ, có sức thuyết phục cao; đồng thời chủ trương coi các hệ thống giếng có cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa chức năng dựa trên nguyên tắc tự chảy theo lối dẫn thủy nhập điền có cùng chủ nhân sáng tạo với hệ thống giếng đơn xếp đá hay gạch, dưới có lát gỗ mà từ lâu nay đã được coi là giếng Chăm hay giếng theo kiểu kỹ thuật Chăm. Chúng tôi đi theo quan điểm này.
Gần đây, một số ý kiến lại đi theo một cách nhìn khác hẳn bằng cách không tán đồng nhưng cũng không phủ nhận các kiến giải của các nghiên cứu trước đây mà cho là “khó có thể nói rằng bộ phận cư dân cụ thể nào là chủ nhân đích thực của các công trình khai thác nước độc đáo trên". Từ đó những người theo quan điểm này đi đến kết luận vấn đề chủ nhân của hệ thống các công trình khai thác nước ở Do Linh (chỉ có hệ thống các công trình khai thác nước sử dụng đá xếp ở Do Linh mà thôi!) bắt đầu từ các cư dân thời đại đá mới, sơ kỳ kim khí, sau đó là các tộc người thuộc nhóm Môn - Khơ me kế thừa, rồi đến cư dân Chămpa (nhưng là nhóm cư dân sót lại sau thế kỷ XI - XV) nâng cấp, hoàn thiện và cuối cùng là người Việt cải tạo, sử dụng - kể từ sau năm 1572 cho đến tận ngày nay.
Như vậy, những công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị (nhất là hệ thống giếng xếp đá ở tây Do Linh) đã và đang trở thành vấn đề khoa học khá lý thú nhưng cũng chứa nhiều ẩn số gần một thế kỷ nay là của người Assam, Indonésia, Sa Huỳnh, Việt cổ, Bĩu - Vân Kiều, Tà ôi, Chămpa hay của người Việt sau năm 1572? Hệ thống giếng xếp đá có cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa chức năng dựa trên nguyên tắc nước tự chảy theo lối dẫn thủy nhập điền ở vùng đồi đất đỏ bazan tây Do Linh có quan hệ thế nào với hệ thống giếng ở vùng đồi đất đỏ bazan đông Vĩnh Linh; có liên quan gì đến hệ thống giếng ở vùng cồn cát đông Do Linh và liệu có gốc gác gì chăng với hệ thông giếng đơn xếp đá hay gạch, dưới có lát gỗ mà từ lâu nay đã được coi là giếng Chăm hay giếng theo kiểu kỹ thuật Chăm? Những máng đá ở các giếng Đào, giếng Máng, giếng Trạng... có cùng cách thức kỹ thuật với giếng Pheo, giếng Mới (ở tây Do Linh) giếng Đá (ở đông Do Linh) liệu có thể nói là thuộc một hệ hoàn toàn khác so với kỹ thuật lắp ghép đá phiến ở các giếng đơn như giếng Tây, Giếng Tô, nhất là các giếng Đá ở làng Kim Đâu, An Xuân, Cẩm Thạch không ?.
Một bộ phận dân tộc từ Assam, Indonésia tới, để lại những dấu vết qua các emporium, qua tục thờ đá hay một đám tù binh nhà Mạc mang ơn vị cứu tinh Nguyễn Hoàng để rồi lập đền thờ vua cũng như để lại những dấu vết về tiền khai, hậu khai... có thể có địa bàn cư trú rộng đến mức phân bố cả vùng lớn Quảng Trị không ? Những "kỹ sư bán khai" có gốc thương nhân đi làm nông nghiệp hoặc một đám tù binh đi xây dựng đồn điền mà đã đạt được những thành tựu thế kia thì lẽ nào một dân tộc có truyền thống nông nghiệp lâu đời nổi tiếng về kỹ thuật khai thác các mạch nước (nhất là kỹ thuật chế tác đá) từng có thời gian cư trú trên địa bàn này gần một thiên niên kỷ lại không thể là chủ nhân ? Để tạo ra được hệ thống dẫn thủy quy mô như ở vùng tây Do Linh đòi hỏi phải có sự tổ chức, một nguồn nhân lực và thời gian không phải ít, điều này chỉ có thể được thực hiện bởi một bộ phận cư dân nông nghiệp sống định cư; vậy, các cư dân với lối sống du canh du cư như người Vân Kiều, Tà ôi liệu có khả năng là chủ nhân sáng tạo không?
Tất cả các vấn đề nêu trên chắc chắn sẽ được các nhà khoa học giải thích tường tận trong một ngày gần đây. Tuy nhiên, dù sao thì trên thực tế, những hệ thống khai thác nước mà ngày nay vẫn còn tồn tại và đang phát huy tác dụng tốt đều đã trải qua nhiều thời kỳ với nhiều lớp chủ nhân sử dụng. Sự tổ chức khai thác nước, sử dụng nước của con người sao cho phù hợp với điều kiện địa lý, thủy văn của vùng đất mình cư trú à một thành tựu văn hóa mà dấu ấn của mỗi lớp cư dân, mỗi thời đại đều có những tính cách riêng của mình.
Thực tế cũng cho thấy một hệ thống thủy lợi, hệ thống dẫn thủy, khai thác nước không phải lúc nào cũng thuộc về một phương pháp kỹ thuật đồng nhất. Điều kiện địa lý, thủy văn của mỗi vùng đất đã tạo nên sự lệch khác trong sản phẩm vật chất có mang tính văn hóa thà con người trên vùng đất ấy tạo ra chứ đâu phải một quy cách của một hệ thống là nhất thiết phải thuộc vào một thành phần tộc người khác nhau. Người ta đã đi tìm sự so sánh các hệ thống dẫn thủy Quảng Tri với "người Mọi phía nam Trung Kỳ", với người Chăm Ở Phan Rang, Phú Yên, người Khơ me Ở Nam Bộ, người Thái và người Việt Ở Bắc, rồi với cả văn minh cự thạch ở Lào, của người Dayak Ở Nam Dương; trong khi đó chính ngay trên vùng đất nhỏ bé này, mỗi công trình, mỗi hệ thống đã mang một dáng vẻ riêng. Điều không thể không thừa nhận là trình độ kỹ thuật khai thác.nước ngâm của cư dân Chăm pa từ lâu đã thành thạo hơn nhiều so với các cư dân khác.
Người Chăm có mặt ở vùng đất Quảng Trị cũng như trên toàn bộ dải đất Bình - Tri - Thiên từ khá sớm. Họ đã biết làm nông nghiệp tử đầu công nguyên. Họ rất giỏi trong việc dò tìm mạch. nước để khai thác phục vụ cho sinh hoạt và trồng trọt. Kết hợp với kinh nghiệm dò tìm mạch nước, đào giếng, làm các bê chứa, người Chăm cổ đã xây dựng hàng loạt những hồ, đập nước, những hệ thống dẫn thủy liên hoàn, đa chức năng dùng đá xếp hoặc không dùng đá xếp ở ven triền các đồi đất đỏ bazan, đồi cát ven biển cũng như hàng loạt các giếng đơn xếp đá, gạch tại các khu vực cư trú, các địa điểm, công trình tôn giáo, các thị tứ, ven các cảng cổ gần biển... để phục vụ thiết thực cho đời sống sinh hoạt và sản xuất Nhiều nhà nghiên cứu đã nêu ý kiến cho rằng người Chăm đào hàng loạt giếng ở các khu vực cư trú, ở ven các cảng cổ để không chỉ dùng trong sinh hoạt cư dân mà còn dùng để xuất khẩu nước ngọt. Cư dân Việt từ thế kỷ XI đã kế thừa và phát triển các thành tựu văn hóa này. Vì vậy, trải qua hàng thế kỷ, các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị đã trở thành sản phẩm văn hóa của nhiều lớp cư dân, trong đó chủ nhân sáng tạo - theo chúng tôi - là thuộc về người bản địa cổ Chăm pa từ những thế kỷ đầu công nguyên.
4. MỘ TÁNG VÀ CÁC DI VẬT VĂN HÓA KHÁC
Nhiều năm qua, bằng việc phát hiện của nhân dân cùng với các cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học của các nhà nghiên cứu, người ta đã tìm thấy khá nhiều vò gốm, sành, bán sứ ở nhiều nơi thuộc địa bàn Vĩnh Linh, Do Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Những địa điểm phát hiện loại di vật này thường nằm trên (hoặc ven) các cồn cát, xung quanh các khu vực nguyên là các vùng cư trú của người Chăm xưa. Trong số những chiếc vò đã được phát hiện có nhiều loại với kích cỡ, chất liệu khác nhau. Có vò thuộc dạng gốm đất nung, xương gốm thô, độ nung thấp, không men, màu đỏ hoặc nâu đỏ vốn là loại gốm Chăm đặc trưng; có vò thuộc dạng bán sứ có 4 - 6 núm trên vai, có men ngà mà các nhà nghiên cứu đã thẩm định là loại đồ bán sứ được sản xuất dưới thời nhà Đường - Trung Quốc (thế kỷ VII - IX); một số vò đồ bán sứ Việt có men nâu, men trấu, men ngọc thuộc thời Trần, Lê; nhiều vò thuộc dạng sành, xương chắc, độ nung cao, có hoặc không men vốn là đồ sành do người Việt sản xuất dưới các thế kỷ XV - XVII. Những chiếc vò này có khi được chôn lẻ tẻ, nhưng thường được chôn tập trung thành từng cụm có từ 2 - 5 chiếc; bên trong có các vết tích than tro, đồ kim loại, đồ gốm, đá... Những chiếc vò hay cụm vò (đa dạng về chất liệu, kỹ thuật chế tác, hoa văn trang trí, đôi khi có chứa những hiện vật gốm, kim loại, than tro) có mặt ở hầu khắp địa bàn Quảng Trị cũng như nhiều nơi khác ở miền Trung cho thấy chúng tồn tại trong một thời gian dài không cùng tính chất và mang nhiều chức năng; song, rõ ràng một số trong chúng là những mộ vò.
Người Chăm là một dân tộc theo phong tục hỏa táng. Họ quan niệm rằng: khi chết, linh hồn con người phải về thượng giới nên việc tiêu hủy xác chết lấy tro xương cốt bỏ xuống biển, sông, suối hay ao hồ cũng là biểu hiện của thần Siva là hủy diệt để tái tạo. Tuy nhiên, người chết cần phải để lại một cái gì đó cho con cháu tưởng nhớ, đó là 9 (hoặc 7) mảnh xương trán mà thân nhân đem về thờ phụng. Để bảo vệ những lưu vật này, người ta đem chôn nó ngoài nghĩa địa, tại khu vực dành cho những thân nhân trong dòng họ và lấp lên đó một tượng nứt bằng đá. Tập quán hỏa táng và chôn những lưu vật của người chết trong mộ vò là một tập tục lâu đời của người Chăm có từ thời đại Sa Huỳnh.
Căn cứ vào việc thẩm định niên đại của những chiếc vò và vết tích có được từ bên trong cũng như cách thức chôn, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những mộ vò của người Chăm ở Quảng Trị suốt nhiều thế kỷ và thuộc vào những tầng lớp xã hội khác nhau. Những vò, cụm vò có mang đặc điểm gốm Chăm như Nhan Biểu, Trung Đơn là những mộ vò thuộc tầng lớp bình dân; còn những vò, cụm vò mang đặc điểm đồ bán sứ thời Đường là của những gia đình thuộc tầng lớp trên. Đặc biệt, cụm vò ở Dương Lệ Đông được coi là tiêu biểu nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét