Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

LỊCH SỬ NỀN VĂN MINH CHAMPA P-2

2-Lịch sử champa theo truyền thuyết, ngôn ngữ học và sử liệu



-Theo truyền thuyết: Trong dân gian Champa rằng: từ trong chốn hồng hoang, dân tộc Champa sống rải rác thành nhiều nhóm khác nhau trong cảnh sống tiêu sơ mộc mạc của thời Cổ Ðại. Trên thượng giới có một thần Nữ tuyệt thế giai nhân, có nhiều quyền năng biến hóa đã giáng thế xuống vùng đất dân tộc Champa sinh sống tại núi “Trầm Hương” người Champa gọi là “Chơk Ghlâu” tức núi Ðại An Nha Trang tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Nữ Thiên Thần này là Pô Inư Nưgar – Tuy là Nữ Thần linh hiển và tài giởi phi phàm nhưng khi giáng trần, Pô Inư Nưgar vẫn hành sử quyền năng theo phương cách thế tục. Là người Champa sinh ra và lớn lên trong lòng dân tộc đã nghe mẹ ru bằng câu ca dao Champa từ lúc nằm nôi và trầm mình trong môi trường văn hóa dân tộc, trong tín ngưỡng dân gian champa, được nghe những câu chuyện “bất thành văn” nhưng truyền khẩu từ đời này sang đời khác về việc dựng nước và giữ nước của người xưa v.v...có lẽ dân tộc Champa trân trọng nhất là nhân vật truyền thuyết Pô Inư Nưgar một bậc “hiền mẫu” của dân tộc Champa.
Bà ngao du sơn thủy, quan sát toàn vùng dân cư Champa sinh sống. Bà chứng kiến tận mắt cảnh đời kham khổ lầm than của vạn lớp dân Champa, Bà liền gom dân lại thành làng xóm, tổ chức gia đình xã hội theo chế độ mẫu hệ, xây dựng non sông gấm vóc cho dân tộc Champa. Bà dạy quần chúng về cách thức trồng lúa, lập hệ thống đê điền tưới tiêu; hướng dẫn cư dân vùng biển đóng ghe đan lưới để hành nghề dánh cá và hòa mình vào biển cả. Dạy dân chúng biết xây dựng nhà cửa, chỉ dạy dùng dược thảo để chữa bệnh và phương cách cúng bái thần linh. Vừa khai hóa dân tộc, xây dựng xã hội, vừa xây dựng một quốc gia nông nghiệp đơn thuần và sơ khai với một xã hội ấm êm, thanh bình cho dân tộc. Vì Bà có công tạo dựng non sông gấm vóc Champa, cai quản dân lành với tất cả tình thương của một người mẹ đối với con cái, nên trong truyền thuyết dân gian Champa tôn xưng Pô Inư Nưgar là “Thần mẹ của xứ sở” chứ không tôn xưng Bà là vua Champa. Pô Inư Nưgar có công khai hóa dân tộc và tạo dựng ra non sông gấm vóc Champa, nên vào thế kỷ thứ IX Vua Harivarruan I đã xây đền tháp và tạc tượng để thờ Bà, đó là Tháp Pô Inư Nưgar, người Việt gọi là Tháp Thần Nữ Thiên Y Ana tọa lạc trên ngọn đồi gần xóm Bóng và biển Nha Trang. Cũng trên đồi này trước đây hồi thế kỷ thứ 7 và thứ 8 có xây 02 cụm Tháp nữa và trong cụm Tháp này có một pho tượng bằng vàng. Năm 774, quân binh Mã Lai quấy nhiễu vùng Kâuthara (Nha Trang) phá hủy ngọn Tháp và cướp đi Tượng vàng quí giá này. Mười năm sau tức vào năm 784 ngôi Tháp bị phá hủy mới được xây lại với pho tượng bằng đá chung quanh các tầng Tháp, ở mỗi gốc tường của Tháp có hình vũ nữ Apsara và bò Thần Nandin. Những người dân sống chung quanh đồi Tháp rất tin vào sự linh hiển của Nữ Thần Pô Inư Nưgar và thường hay đến cúng bái mỗi khi họ muốn cầu xin những phước lành nào đó về việc làm ăn sinh sống kể cả bệnh tật ốm đau. Ngoài quần thể Tháp Pô Inư Nưgar (Tháp Bà) Nha Trang, tại một số địa phương khác cũng lập những miếu thờ Nữ Thần như các thôn Hữu Ðức ở Huyện Ninh Phước, Thôn Bình Nghĩa thuộc Huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận. Tại Bình Thuận có Thôn Lạc Trị thuộc Huyện Tuy Phong, thôn Quản Mía thuộc huyện Bắc Bình; ngoài ra người ta còn thấy một số chùa người Hoa Kiều tại các địa phương thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có thờ Thần Nữ Thiên Y A Na tức Pô Inư Nưgar Champa. Ðối với truyền thuyết về tổ tiên Champa do đâu mà ra, cũng như truyền thuyết về ai có công khai hóa dân tộc và khai sáng ra đất nước Champa tuy không phải là câu chuyện hoàn toàn có thật, không có chứng cứ khoa học làm nền tảng, nhưng nó là bóng dáng của trình tự lịch sử dân tộc Champa, là chất xúc tác làm cho mọi người đồng chủng quây quần về nguồn cội tổ tiên, nó đem lại sự hợp nhất giữa tiền nhân và muôn ngàn thế hệ cùng màu da thớ thịt nối tiếp, nó đem lại tính tự hào dân tộc làm cho con cháu quay về một mối. Theo sử Trung quốc (Lương thư) thì người lãnh đạo lập ra Lâm Ấp (Lin-yi) là một thổ hào địa phương tên là Khu Liên. Trước đó những người ở vùng này đã quấy vùng Nhật Nam dưới sự bảo hộ người Hán, Lương thư cũng gọi dân ở Tượng Lâm là "bọn man di" Khu Liên. Cho nên từ Khu Liên có thể không là tên một người mà là tên chuyển âm từ ngôn ngữ Đông Nam Á cổ, Khu Liên - Kurung, có nghĩa là tộc trưởng, vua.
Trước hết ta hãy xem sử liệu Trung quốc sau đó các khám phá về bia ký ở Mỹ Sơn và Trà Kiệu (Simhapura) còn sót lại để tìm hiểu về con người Lâm Ấp.
Mã Đoan Lâm (Ma Tuan-Lin), sử gia người Trung Hoa thế kỷ 13 viết về các dân tộc phía Nam Trung quốc dựa vào sử của nhà Lương, Hán và Tùy đã miêu tả như sau về những người và phong tục dân Lâm Ấp vào thế kỷ thứ 4. Đây có thể coi là tài liệu cổ nhất và lý thú nhất về dân tộc học nói về người Đông Nam Á bằng tiếng Hán. (Trích từ G. Coedes , dịch từ tiếng Hán ra Pháp rồi sang Anh ngữ từ bản "Ethnographie des peuples etrangers a la Chine, ouvrage compose au XII Ie siecle de notre ere, trans., Marquis d' Hervey, Geneva, 1883)
"Cư dân ở đây xây tường nhà bằng gạch nung, phết trên gạch là một lớp vôi. Nhà được xây trên một nền hay sân gọi là kan-lan (chú thích: kan-lan tiếng Chăm nghĩa là nền sân, hiện nay người Chăm gọi sân tháp Chăm là kan-lan). Cửa nhà thường đặt ở hướng bắc, đôi khi ở phía đông hay tây không có một qui tắc nhất định nào... Đàn ông và đàn bà không có một y phục nào khác ngoài một đoạn vải ki-peh quấn quanh người (chú thích: từ Chăm). Họ khoét lổ bông tai để đeo các vòng trang sức nhỏ. Những người có chức sắc đều đi chân đất. Những phong tục này cũng được theo ở vương quốc Phù Nam và tất cả các vương quốc khác phía xa quá Lâm Ấp. Vua đội nón cao trang trí với hoa màu vàng và chung quanh viền nón được tỉa gọn với núm tua bằng lụa. Khi ra ngoài nhà vua cởi voi, đi trước là các kèn tù và và trống, vua được che dưới một dù làm bằng vải ki-peh, chung quanh là nô tì cầm cờ xí được làm bằng vải ki-peh.
Đám cưới lúc nào cũng được tổ chức vào ngày thứ tám của trăng. Chính người con gái đi hỏi con trai, vì con gái được xem là chính yếu. Hôn nhân giữa những người cùng họ bị ngăn cấm. Vũ khí của họ gồm có cung, tên, kiếm, giáo, và nỏ làm bằng gổ tre.
Nhạc cụ họ dùng rất giống nhạc cụ của chúng ta : đàn tì bà, đàn bầu 5 giây, sáo v.v… Họ cũng dùng kèn tù và và trống để báo hiệu cho dân chúng.
Họ có mắt to và sâu, mủi thẳng và cao, tóc quăn đen. Đàn bà buối tóc trên đỉnh đầu thành hình như búa riều… (chú thích : đây đúng là người thuộc giống Austronesia ở dọc quần đảo Malay, Indonesia..)
Nghi lễ tang của vua bắt đầu 7 ngày sau khi vua mất, còn các quan đại thần thì 3 ngày sau khi mất, và người dân thường 1 ngày sau khi chết. Bất kể chức tước của người mất, thi hài đều được bó lại cẩn thận, sau đó được mang đến bờ biển hoặc bờ sông giữa nhạc trống và điệu múa, và được hỏa thiêu trên dàn củi. Sau khi thi hài của vua được hỏa tán, xương cốt còn lại được bỏ vào hủ làm bằng vàng và ném xuống biển. Còn xương cốt của các quan lại thì đựng trong hủ bạc và ném xuống cửa sông. Với thường dân, hủ đất đựng cốt ném xuống sông là đủ (chú thích: đây đúng là phong tục xưa của người Chăm indonesian với nguồn gốc văn hoá sông, nước, biển)
Mã Đoan Lâm (Ma Tuan Lin) viết về người Lâm Ấp (Lin-yi) ở thế kỷ thứ 4 chứng tỏ cho ta thấy họ là người nói tiếng Indonesian và là tổ tiên của người Champa hiện nay. Người Champa lúc này đã biết khai thác trầm hương, quế, ngà voi (vùng họ cư ngụ rất nhiều voi), sừng tê, vàng..
Đặc biệt họ biết dùng cát trắng để nấu thuỷ tinh làm bát, đồ trang sức. Tất cả các đặc sản vùng này đã có mang sang Trung Quốc trong những hành trình của các sứ giả Chăm Lâm Ấp. Sử sách Trung Hoa gọi những thuỷ tinh này là "lưu li" từ chữ Phạn sanscrit verula.
Thế thì bia ký có xác thực sử liệu Trung quốc như vậy không ở thế kỷ thứ 3 và 4?. Năm 1898, kiến trúc Mỹ Sơn được khám phá tình cờ bởi một người Pháp tên O. Paris trong rừng ở một thung lũng hẹp. Nó đã hoang tàn qua bao thế kỷ. Điểm lạ là sử ta từ đời Lê không nhắc đến thành phố cổ này, nó biến mất trong bóng tối đến khi được khám phá. L. Finot và H. Parmentier, G. Coedes đã đến và nghiên cứu tìm ra được bao văn tự bia ký trong vùng này và phụ cận Trà kiệu, Đông Dương. Một trong những bia ký (thế kỷ 4) là bia nói về vua Bhadra varman lập ra Mĩ-sơn và Trà Kiệu trên vùng đất mà người Chăm gọi là Amaravati (Quảng nam). Đây là bia cổ nhất bằng tiếng Chăm hay bằng tiếng thổ ngữ Indonesian trong thế giới người Indonesian. Bia nói về sùng bái vật thánh thiêng của nguồn rạch hay giếng nước của vua. Điều này cho thấy vùng Amaravati (Quảng Nam) là nơi cư ngụ của người nói tiếng Chăm ở thế kỷ thứ 4. Theo nhà khảo cổ Madeleine Colani thì các giếng cổ, được tìm thấy nhiều ở Quảng Trị khám phá từ đầu thế kỷ 20 và các năm gần đây của các nhà khảo cổ Việt Nam, có nguồn gốc của dân Chăm Indonesian.
Sử nước ta có nhắc tới vùng đất Việt Thường và dựa vào một số tài liệu Hán của Trung Quốc. Như trong Đại Nam Nhất Thống Chí, nói về vùng Quảng Nam: "Nguyên xưa là đất Việt-Thường Thị, đời Tần (246-207 trước Dương lịch), thuộc về Tượng quận, đời Hán (206-1trước dương lịch, 1-129 sau dương lịch) thuộc quận Nhật Nam"
Theo Hán thư: quận Nhật Nam có huyện Lư Dung và Châu Ngô. Ở Lư Dung có bến nước Lượm vàng, theo truyền thuyết tại Sông Tranh và Sông Tu thuộc đạo Trà Nộ phủ Thăng Bình thường có sản xuất vàng. Vậy thì từ 2 thế kỷ trước Dương lịch cho đến thế kỷ 4 (khi Lâm Ấp là dân tộc Chăm Indonesia chủng Austronesian), đất Việt-Thường hay Tượng Lâm có những dân tộc nào ở đó?.
Theo sử Trung quốc, thì sau Khu Liên, các vua kế tiếp của Lâm Ấp là Phạm Hùng (Fan Hsiung), Phạm Dật (Fan Yi), Phạm Văn (Fan Wen), Phạm Phật (Fan Fo, sau này theo bia ký thì đó là Bhadra varman) và Phạm Tu Đạt (Fan Hu-ta). Dưới thời Phạm Hùng, Phạm Dật và Phạm Văn sứ Lâm Ấp đã dung "chữ viết Hồ" (tức chỉ Ấn độ chử Phạn) trong văn thư. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng từ phía Phù Nam và Nam Chăm.
Riêng Phạm Văn, cố vấn cho Phạm Dật, một số sử liệu Trung quốc có nói là người Hán từ Giang Châu. Theo Coedes thì Phạm Văn là người Lâm Ấp sống ở Trung quốc từ năm 313 đến 316 và đã hấp thụ văn hóa Hán chứ không phải là người Hán.
Trước khi Khu Liên thành lập nước Lâm Ấp (năm 192), thì trước đó vào năm 137, vùng Tượng Lâm đã bị xâm lăng bởi những người xứ phía Nam biên giới Nhật Nam. Theo Coedes thì giặc "man di" đó nếu không là Champa thì là cũng những người chủng tộc Indonesian.
Các vị vua trên chắc chắn không phải là họ Phạm mà là Hán phiên âm của chử địa phương. Rất có thể đó là phiên âm của từ Pô hay Pha. Pô tiếng Chăm Indonesian là chúa, vua hay lạc trưởng (như Po Nagara).
Như vậy có thể nói là từ giữa thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4 thì vùng đất sử ta gọi là Việt-Thường cơ bản là nơi người Chăm Austronesian cư ngụ. Trước đó, rất có thể là những bộ lạc Môn-Khmer, Mường… đã bị người Chăm đẩy lùi và tiêu diệt.
Hiện nay ở vùng xứ Quảng trên các cao nguyên có các dân tộc Mon-Khmer như Vân Kiều, Pa kô, Tà ôi… vẫn còn cư trú, trên Tây Nguyên Nam Trung bộ, người Gia Rai, Rhade của chủng Austronesian xưa vẫn còn và có ít ảnh hưởng từ Chăm Austronesian.
Trên đất nước Champa cổ trước đây đã xẩy ra nhiều cuộc chiến khốc liệt; khi trường kỳ, lúc âm thầm, có khi chớp nhoáng với Trung Hoa, Ðại Việt, Châu Lạp, Java (Nam Dương), Mông Cổ, nhất là những cuộc chiến trường kỳ giữa trung quốc và Champa vào năm 605 đoàn quân viễn chinh Trung Hoa, dưới sự Tổng chỉ huy của Tướng Lưu Khương sang xâm chiếm Champa đánh phá Khú Túc (vùng Thừa Thiên) và Kinh Thành Trà Kiệu (Quảng Nam), tàn phá kinh thành cướp bốc tài sản và thiêu hủy tất cả những tài liệu chính sử từ ngày đầu lập quốc và những cuộc chiến kế tiếp với các quốc gia nêu trên đã biến những trung tâm văn khố, sử liệu Champa thành đống tro tàn.
Do đó muốn tìm hiểu tiến trình lập quốc Champa từ cội nguồn cho đến ngày sung vong, các nhà nghiên cứu khoa học phải bằng vào những sử liệu thành văn của một số quốc gia lân cận có liên quan với Champa trước đây như Trung Hoa, Ấn Ðộ, Ðại Việt, Châu Lạp và những thành tựu khoa học về ngành ngôn ngữ học, về khảo cổ học để soi sáng.
- Theo ngôn ngữ học: Các nhà khoa học Tây Phương nghiên cứu về cội nguồn dân tộc Champa theo phương diện ngôn ngữ học, đã xếp loại dân tộc champa thuộc nhóm gia đình ngữ học Mã Lai đa đảo (Malayo Polynesian) hay một danh xưng khác gọi là nhóm gia đình ngôn ngữ Nam đảo (Austronesian). Nhóm ngữ hệ Mã Lai Ða đảo bao gồm mấy trăm ngôn ngữ tập trung trong một khoản không gian rộng lớn bao gồm các ngôn ngữ lục địa Ðông Nam Á – Mã Lai và Champa, toàn bộ ngôn ngữ Phi Luật Tân và cả ngôn ngữ của Madagascar ngoài khơi Châu Phi.
Vì cùng nhóm với ngữ hệ Nam đảo (Austronesian) nên ngôn ngữ Mã Lai và ngôn ngữ Champa có nhiều tiếng rất tương đồng với nhau và nhất là đã có một quá trình giao lưu văn hóa và bang giao lịch sử trước đây khi Champa chưa mất tên trên địa bàn sinh hoạt chính trị Ðông Dương.
Trên lãnh địa của Vương Quốc Champa cổ, tức miền Trung của Việt Nam ngày nay, tiếng champa và các sắc tộc Hroi, Raglai, Churu, Jarai Radhé, Banar, Stieng v.v... thuộc hệ ngữ Nam đảo hay là Mã Lai Ða đảo (Malayo – Polynesian) và được khoa ngôn ngữ học gọi chung là nhánh ngôn ngữ champa (The Chamic Langreceges). Trong nhánh ngôn ngữ này lại chia thành hai nhánh:
-Nhánh thứ nhất gồm ngôn ngữ Chăm, Hroi, Raglai, Churu một nhánh phía Nam Champa.
-Nhánh thứ hai gồm Radhé, Jarai, Banar, Koho là nhánh phía Bắc thuộc lãnh địa Champa.
Sự phân chia ngữ hệ Nam đảo của các sắc tộc tại Champa thành hai dòng Nam Bắc này, cho chúng ta thấy phù hợp truyền thuyết về nguồn gốc hình thành quốc gia Champa từ hai thị tộc khác nhau:
-Thị tộc Nam còn gọi là dòng Cau (Pinăng), người Champa gọi là “Tâu Thih”; trong bia ký Phạn ngữ ghi là Kramuka Vams’a.
-Thị tộc Bắc còn gọi là dòng Dừa (Liu), người Champa gọi là “Tâu Chơk”, trong bia ký Phạn ngữ ghi: Narikela Vams’a. Hai thị tộc Bắc Nam, người Champa gọi là “Tâu Chơk” và Tâu Thih ngày nay người ta còn tìm thấy xuất hiện trong lễ hội múa lớn gọi là “Rija Praung” của người Champa ngày nay.
Qua những sự kiện trên, khoa Ngôn ngữ học đã gợi mở cho ta thấy cội nguồn lập quốc Champa khởi đầu, gồm hai thị Tộc trấn thủ 2 vùng khác nhau bất hòa với nhau trước khi đem đến một quốc gia Champa Thống Nhất và ổn định. 
- Theo sử liệu Trung Hoa: 
Theo sách Thủy kinh chú, Lịch sử Champa là một lịch sử chinh chiến oai hùng với các lân bang từ khi lập quốc. Xem lại sử ta thấy rằng năm 111 trước CN vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang diệt nhà Triệu lấy nước Nam Việt đổi lại thành Giao chỉ bộ, và chia ra làm 9 quận mà 3 quận phía nam là Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam bao gồm đất Bắc Việt và bắc Trung Việt ngày nay, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc của nước ta. Sách Khâm Định Việt Sử chép rằng phía nam quận Nhật-nam có huyện Tượng-lâm (khỏang Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam bây giờ), vào năm 102 đời vua Hòa-đế nhà Đông Hán, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá quận Nhật-nam. Đến cuối đời nhà Hán, khoảng năm 192 ở huyện Tượng lâm có người tên Khu-Liên giết huyện lệnh đi rồi tự xưng làm vua, đặt tên nước là Lâm Ấp (Lin Yi: Ấp của dân Tượng lâm). Thực ra chữ Khu-Liên không phải là tên, mà là tiếng xưng tụng như "thủ lãnh". Dòng dõi Khu-Liên thất truyền nên cháu ngoại là Phạm-Hùng (ta dịch âm từ Fan Hiong trong sử Tàu; mà Fan lại âm theo Varman của tiếng Chàm) lên nối nghiệp
Ban đầu thì lãnh thổ Lâm Ấp còn gọi là Indrapura, vùng từ phía nam đèo Ngang cạnh sông Gianh, đến hết vùng Amaravati (Quảng nam ngày nay). Tiếp đến trở xuống là các vùng tự trị của các tiểu vương như Vijaya (Bình định), Aryaru (Phú yên), Kauthara (Khánh hòa) và Panduranga (Bình và Ninh thuận). Có nhiều tác giả cho là lãnh thổ của Lâm-Ấp bấy giờ chỉ đến đèo Hải Vân mà thôi. Điều này không đúng, bởi vì những bia ký ở thánh địa quan trọng Mỹ sơn - Srisanabhadresvara (nằm cách Đà nẵng hiện nay về hướng tây nam khoảng 70 km) đã ghi là thánh địa thờ thần Bhadresvara, là thần chủ giang sơn Chàm, do vua Lâm Ấp là Phạm Phật (Bhadra varman, trị vì từ 349 - 361) dâng cúng. Nhiều bia đá ở Mỹ Sơn cho biết khá nhiều về giai đoạn lịch sử ban đầu của Lâm Ấp.
Theo thời gian, Phù Nam (Fu-nan), một vương quốc ở phương nam hoàn toàn theo văn minh Ấn Độ - tồn tại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6 tại vùng đồng bằng sông Cữu Long bây giờ, đã từng triều cống Trung Hoa trong khoảng thời gian từ năm 253 đến năm 519, và có cảng Óc Eo rất nhộn nhịp - mạnh dần và thôn tính Kauthara (Khánh hòa) và Panduranga (Bình và Ninh thuận). Còn Vijaya (Bình định) thì thuộc về Lâm Ấp. Vùng Aryaru (Phú yên) trở thành vùng trái độn.
Suốt thời Tam quốc sang đến nhà Tấn người Lâm ấp vẫn thường sang quấy nhiễu quận Nhật nam, có khi tiến đánh đến quận Cửu chân nữa. Năm 353 đời vua Mục đế nhà Đông Tấn sai quan thứ sử Giao châu là Nguyễn Phu đánh bại vua Lâm Ấp là Phạm Phật (Bhadravarman) phá hủy hơn 50 đồn lũy. Năm 399 vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt lại đánh phá đến tận Giao chỉ bị quan thái thú Đỗ Viện đánh đuổi. Năm 413 lại tái diễn, nên năm 420 con của Đỗ Viện là Đỗ tuệ Độ phải kéo quân sang tiểu trừ tận đất Lâm Ấp, từ đó ngưới Lâm Ấp mới chịu hàng phục cống tiến Trung hoa hàng năm.
Sang đến thời loạn lạc Nam Bắc triều ở Tàu (420-588) thì nhà Nam Tống cai trị đất Giao châu. Năm 433 vua Lâm Ấp Phạm Dương Mại cho sứ sang Tàu xin làm chủ đất Giao châu, vua Tống không thuận, nên quân Lâm Ấp luôn sang quấy phá Nhật nam và Cửu chân. Vua Tống sai quan thứ sử Đàn hòa Chí đem quân sang đánh Lâm Ấp, tàn phá kinh đô Trà Kiệu (Đồng dương, Quảng nam bây giờ) và lấy được vô số vàng bạc châu báu. Sử chép Đàn Hòa Chí thu được một tượng bằng vàng nặng đến nổi mấy người khuân không xuể.
Cuối thế kỷ thứ 5 ảnh hưởng của Lâm Ấp mở rộng về phía tây đến Nam Lào (Champassak), nhưng đầu thế kỷ thứ 6 thì vùng này lọt vào tay người Khmer (Chân lạp), lãnh thổ Lâm Ấp bành trướng đến đèo Cù mông (Phú yên). Người ta đã tìm thấy tấm bia Vat Luang Kau gần chùa Vat Phou (Champassak, nam Lào), cho biết là vào thế kỷ thứ 5, biên giới Champa mở rộng đến bờ sông Mekong.
Vào giửa thế kỷ thứ 6, nước Phù nam lại bị người Khmer thôn tính, trở thành Thủy Chân lạp. Vị vua cuối của Phù Nam được sử Tàu nhắc đến là khoảng năm 550. Nước Chân lạp (Chen-la hay Zhenla) được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 5, mà truyền thuyết thần thoại theo văn minh Ấn kể rằng thần Shiva kết hợp đạo sĩ Kambu Svayambhuva ở xứ Kambujadesha (nên mới có chữ Kampuchea hay Cambodia bây giờ) với tiên nữ của Đại hồ tên là Mera, từ đó có giống Khmer (do hai chữ Kambu và Mera ghép lại).
Năm 539- 577, dưới triều vua Rudra varman khu Mỹ sơn lại bị đốt phá, và đã được vua Sambhu varman (mất năm 629) trùng tu lại. Đến đời nhà Tùy, năm 602 vua sai tướng Lưu Phương kéo quân sang Giao Châu dẹp cuộc nổi dậy của Lý Phật Tử, sau khi bình định xong Lưu Phương tiến xuống đánh Lâm Ấp để cướp của, vua Lâm Ấp là Phạm-Chí (Cambhu varman) thất trận chạy thoát. Sau khi Lưu Phương vào kinh đô Trà Kiệu gom góp được vô số của cải, đã lấy đi 18 tấm miếu chủ đúc bằng vàng. Lâm Ấp từ đấy lại xin triều cống như cũ.
Đến đời nhà Đường có ba sự kiện đáng ghi nhớ
1) Vào đời Thái tông, nước Lâm Ấp đổi quốc hiệu là Hoàn Vương (?). Cụ Trần trọng Kim chép trong Việt nam sử lược trang 60: "Đến quãng năm Trinh-quan đời vua Thái tông nhà Đường, (tức khoảng từ năm 627 đến 630) vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê mất, con Phạm Trấn Long cũng bị người giết, người trong nước lập một người con bà cô Phạm Đầu Lê, tên Chư Cát Địa ( Vikranta varman I) lên làm vua. Chư cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn Vương quốc. Họ Chư lại kéo quân sang đánh Giao châu và chiếm giữ châu Hoan và châu Ái.
Nhưng có tác giả lại viết là từ năm 758, sử Trung Hoa không còn gọi nước nầy là Lâm Ấp mà đổi tên gọi là nước Hoàn Vương (Huan Wang). Dựa vào các bia đá ở Mỹ Sơn thì năm 758 là triều vua Vikrânta varman II kế vị. Vikrânta varman II là thái tử Prakasa dharma, con của một hoàng thân Chàm tên là Jaga dharma đã sang Chân Lạp cưới công chúa Carvâni (con của vua Icanavarman). Về sau chính vua Chàm ở phía bắc Vikranta varman II này (của bộ tộc Dừa- Narikela vamsa) đã thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu vương Chàm ở phía nam (bộ tộc Cau – Kramuka vamsa) . Như thế thì chưa rõ thuyết nào đúng về niên đại của sự đổi tên Hoàn Vương Quốc.
2) Năm 679 vua Đường Cao tông (Phụ chú: là ông vua yếu đuối đa tình đã tằng tịu với Võ Tắc Thiên, cung tần của vua cha và đã đưa bà lên ngôi Hoàng hậu. Vào năm này Cao tông đã ngã bệnh liệt giường, có lẽ bởi tai biến mạch máu não do chấn động sau cái chết đột ngột của Thái tử Lý Hoằng. Mọi việc triều chính đều do Võ hậu quyết định cả, người ta nghi chính Võ hậu đã đầu độc con trai trưởng của mình bởi vì sợ vai trò của bà bị đe dọa), ra lệnh chia đất Giao chỉ bộ ra làm 12 châu và đặt chức An nam đô hộ phủ, từ đó có tên An nam.
3) Nạn giặc biển từ Java và Sumatra mà Sử chép là "Năm 767 có quân Côn lôn và quân Đồ bà từ hải đảo kéo vào cướp phá đất Giao châu. Quan kinh lược sứ Trương Bá Nghi (Tchang-po Yi) cho đắp La-thành để chống giữ." Thành Đại la về sau trở nên thành Thăng Long. Thực ra quân hải đảo là lực lượng hải thuyền của một vương quốc hùng mạnh Sri-Vijaya ở Sumatra lúc bấy giờ (đã từng khống chế đường hàng hải huyết mạch ở vùng Đông Nam Á trong suốt 700 năm (từ thế kỷ thứ 7 đến 13). Quân này không những đánh phá riêng Giao châu mà liên tục tàn hại dân Chàm ở ven biển như Eatran (Nha trang ngày nay) năm 774 và Panra (Phan Rang ngày nay), vào năm 787. Một bia ký ở tháp Bà còn ghi lại nổi kinh hoàng này của năm 774. Nếu giả thử quân của đế quốc Sri-Vijaya chiếm đóng thành công vùng duyên hải Đông dương thì lịch sử khu vực này đã chắc không như bây giờ.
Vào đầu thế kỷ thứ 9, năm 802 vua Hoàn Vương là Hari varman I lại đem thủy quân lên đánh phá một số tỉnh Trung Hoa, và liên tiếp các năm 803 và 806, còn kéo quân xâm lấn Giao Châu. Để trừng phạt, năm 808 quan đô hộ Giao Châu là Trương Chu đem binh thuyền vào tàn sát dân quân Champa làm cho vua Hoàn Vương phải dới kinh đô xuống vùng Bằng An ngày nay, còn gọi là Vệ thành (thuộc xã Thăng Bình, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, mà vết tích thành cũ nay không còn nữa - theo Sách Đại Nam Nhất Thống Chí). Để tránh áp lực từ phương bắc, các vua Chàm Sakti varman và Bhadra varman II bành trướng lãnh thổ dần về phía nam và phía tây, thâu gồm Panduranga (Ninh và Bình thuận) và vùng tây nguyên thành một vương quốc mới được gọi là Champa (Champapura - Champa: hoa sứ; pura: thành, hay quốc gia).
Trong thời kỳ này việc bang giao giữa Hoàn Vương và Chân Lạp trở nên căng thẳng và đưa đến cuộc tương tranh tàn phá lẫn nhau trong khoảng hai thế kỷ. Khởi đầu vào năm 810, không rõ vì lý do gì tướng Champa Senapati Par đem quân tấn công Chân Lạp, mà bia ký ở tháp Bà Po Nagar còn ghi chiến tích.
Năm 877 dưới đời vua Indravarman II Champa lại xin triều cống Trung quốc như xưa. Những bia đá ở đền Kok Klor trong thung lũng Bla trên miền cao nguyên gần Kontum đề năm 914 ghi việc một tộc trưởng là Mahindravarman xây dựng tháp thờ Bồ tát Mahindra- Lokesvara. Thời kỳ này sự giao hảo giữa Champa và đế quốc Sri-Vijaya rất là mật thiết. Một bia đá ở Nhan Biểu (thuộc tỉnh Quảng trị) ghi chuyện một vị hoàng thân tên là Rajadvara đã dựng hai ngôi tháp vào các năm 908 và 911, và đã hai lần đi hành hương thánh tích Phật ở Yavadvirapura (tức Java ngày nay).
Năm 950, Chân Lạp dưới quyền vua Rajendra varman sang đánh phá vùng Kauthara (Khánh hòa) của Champa vào thời vua Indravarman III, và đã cướp đi tượng Bà bằng vàng do nhà vua dựng lên ở Po Nagar vào năm 918. Nhưng bia ký của Chân Lạp tại Pre Rup lại ghi rõ hơn là thành Kauthara bị phá hủy san bằng, vua Champa bị bắt và sau khi bị hành hạ đã bị tế sống cho thần Harisvayambhu trên bờ sông Visnupadi.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế đổi tên nước ta là Đại Cồ Việt, sau khi An nam dành dược độc lập với Ngô Quyền xưng vương tại Giao Châu năm 939. Năm 979, Lê Hoàn kế vị xưng là Đại Hành Hoàng Đế, sai Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ sang Champa giao hảo. Vua Champa là Paramesvara varman I, vốn liên kết với một trong 12 sứ quân thời hậu Ngô Quyền nhưng bất thành, đang đóng đô tại Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) gần thánh địa Mỹ Sơn, bắt giam sứ giả. Năm 982 sau khi đuổi quân Tống, Lê Đại Hành bèn thân chinh đem quân đánh trừng phạt Champa, vua Champa bị giết ngay trong trận, vua Lê tiến vào kinh đô, đốt phá đền đài và lấy được rất nhiều của cải rồi rút về. Từ năm 983 kẻ kế vị ngôi vua Champa là Lưu Kỳ Tông xin triều cống vua Lê và chịu làm chư hầu.
Để tránh áp lực ngày càng lớn của nước Đại Cồ Việt mới tự cường, nên năm 1000 vua Champa Srihari vamadeva một năm sau khi lên ngôi đã dời đô từ Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) xuống Vijaya (có nghĩa là chiến thắng, mà ta âm là Đồ Bàn hay Chà Bàn) ở vùng Bình Định ngày nay. Từ đó các bia ký ở Mỹ sơn gọi các vua mới là vua của Vijaya (hay Vijaya Sri), vua Srihari vamadeva sau khi qua đời đã được thần hóa là Yang Pu Ku.
Năm 1068, vua Champa là Rudra varman III (Chế Củ), kế vị vua Hari varman II, đem quân xâm lấn đất Việt ở phía bắc. Bấy giờ vua Lý Thánh Tông, người đã dời đô về thành Đại la, cải danh là Thăng Long thành và đổi quốc hiệu ra Đại Việt khi mới lên ngôi, đã quyết định thân chinh xuống đánh Đồ Bàn năm 1069, bắt và giải Chế Củ về Thăng Long. Để đổi lấy tự do, Chế Củ xin dâng đất ba châu phía bắc Champa là Bố Chánh (Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình), Địa Lý (trung và nam Quảng Bình), và Ma Linh (bắc Quảng Trị).
Đến năm 1074, hoàng thân Than lên ngôi xưng là Hari varman IV (1074- 1080), nước Champa hưng thịnh trở lại và vua Hari varman IV cho trùng tu khu thánh địa Mỹ sơn. Sau khi hòa hoãn với Đại Việt, vua Harivarman IV xua quân đánh Lục Chân Lạp, chiếm Sambor (bắc Phnom Penh và đông hồ Tonle Sap), giết vua Harshavarman III, tàn phá kinh thành Somesvara (Angkor), bắt nhiều người Chân Lạp làm tù binh. Năm 1145, vua Suryavarman II của Chân Lạp phục thù, đánh Champa chiếm Đồ Bàn, tàn phá khu thánh địa Mỹ sơn. Mãi đến năm 1149 vua Champa mới đuổi được quân xâm lược. Khi tu bổ Mỹ sơn vua Harivarman IV cho dựng bia đá ghi lại cuộc tàn phá thánh địa này.
Năm 1166, vua Indra varman IV, một vị vua Champa rất anh dũng lại xua đại quân xâm lăng Chân Lạp cướp được nhiều của cải. Sử Miên còn ghi "Jaya (vua) Indra varman IV, vua Chàm, có tính tự phụ như Râvana, đã vận chuyển quân trên những chiến xa, tiến đánh xứ 'Kam Bu". Mười năm sau, năm 1177, Indra varman IV lại gởi thuỷ quân xuống phía nam, vào cửa sông Cửu Long, tiến ngược dòng lên đánh thành Angkor, tàn phá kinh đô, giết vua Tribhuvanaditya varman và chiếm đóng Chân Lạp. Sau trận này vua Champa cũng thu đoạt được vô số châu báu, vi thế vua Indra varman IV đã dâng cúng nhiều vàng bạc cho các ngôi tháp ở Mỹ sơn. Mãi đến năm 1181, Hoàng tử Chân Lạp mới đẩy lui được quân Champa, lên ngôi vua là Jaya varman VII nuôi chí phục thù.
Năm 1190 vua Chân Lạp Jayavarman VII sai các tướng đem một hoàng thân Champa lưu vong tên là Vidyanandana về đánh Champa, chiếm đóng Đồ Bàn và cướp hết các linh tượng, bắt và giải vua Indra varman về Chân Lạp, chia nước Champa làm hai chư hầu: tiểu quốc Vijaya (Đồ Bàn) do người em vợ của vua Chân Lạp cai trị với vương hiệu là Suryavarmadeva, và tiểu quốc Pandaranga (Phan Rang), do một hoàng thân Champa Vidyanandana cai trị, nhưng tùy thuộc vào Chân Lạp. Không lâu sau, một hoàng thân Chiêm tên là Rasupati nổi lên đánh đuổi quân Chân Lạp, lên ngôi là Indra varmadeva ở Vijaya nhưng lại không tồn tại lâu, và bị quân Chân Lạp quay lại bắt giết vào năm 1192. Vua Surya varmadeva được tái lập nhưng lại quay ra không phục tùng Chân Lạp, mà bang giao với Đại Việt và Trung quốc. Vua Chân Lạp Jaya varman VII liền tấn công Champa trong các năm 1192 và 1193 nhưng đều thất bại. Mãi đến năm 1203, vua Chân Lạp mới chiếm được Vijaya, và biến Champa thành một lãnh địa của Chân Lạp. Nhưng sau khi Jaya varman VII chết quân Chân Lạp phải rút quân, và Champa mới giành lại được độc lập năm 1220 dưới thời vua Paramesvaravarman II, khi Chân Lạp bận rộn đối phó với những cuộc xâm lăng của Xiêm La. Từ đó chấm dứt cuộc tương tranh giữa Champa và Chân Lạp đã kéo dài 32 năm.
Vì cứ can qua chiến tranh liên tục nên Champa trở nên suy yếu. Khi vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt (Qubilai) sai tướng Toa Đô (Sogatu) cầm thủy quân xuống đánh Champa năm 1282, quân Champa chống cự không nỗi nên quân Nguyên vào Thị Nại, tàn phá kinh đô Đồ Bàn và chiếm đóng nước Champa trong vòng 5 năm, Vua champa Indra varman V, cùng thái tử Bổ Đích (Harijit) thoát lên vùng cao nguyên và cầu cứu Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông gởi hai vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp. Đến khi quân Việt đánh bại được quân Mông năm 1287, cũng giải phóng luôn nước Champa, nên năm 1307 tân vương Simhavarman III (Chế Mân) tặng vua Trần anh Tôn 2 châu Ô và Lý để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Vua Chế Mân cũng xây dựng thêm nhiều ngôi tháp thờ phượng thần linh ở vùng Mỹ Sơn. Ba năm sau khi Chế Mân mất, vua Chế bồng Nga (Pô Bin Swơr) từng nuôi chí phục thù nên năm 1370 đã kéo quân thủy bộ đánh phá vào tận kinh đô Thăng Long, nhưng đến năm 1382 lại bị tử trận. Tuy vậy các vua Champa kế tiếp vẫn luôn gây chiến với nước Việt.
Huyền Trân Công Chúa
Vào thời kỳ này, lãnh thổ Champa khá rộng. Lãnh thổ Champa trải dài từ các bình nguyên duyên hải nhỏ hẹp cho đến vùng rừng núi Trường Sơn cũng như các cao nguyên nam Trung phần ngày nay. Người Champa không chỉ là người Chàm ở duyên hải là đa số mà còn gồm những nhóm dân thiểu số khác như giống Jarai, Rhade, Churu, Raglai, Stieng hiện vẫn còn sinh sống ở vùng Tây nguyên mà những câu tục ngữ vẫn còn lưu truyền như "Chăm anh, Raglai em" (Cam saai, Raglai adei), hoặc "Chăm với Raglai như hai anh em ruột" (Cam saung Raglai yơu adei ai sa tiam). Ngoài ra lịch sử Chàm còn cho thấy đầu thế kỷ 14, quốc vương Jaya Simha varman III (Chế Mân) xây đền Yang Prong ở lưu vực sông Se San. Đền Yang Mun (gần Cheo Reo) ở lưu vực sông Ba và đền Phú Thọ gần Pleiku được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Vua Po Romê (mà bia ở tháp thờ tại Ninh thuận ghi là Pa Rrame) là người sắc tộc Churu, trị vì Champa từ 1627 đến 1651, mở đầu một triều đại gồm 14 quốc vương kéo dài cho đến 1786.
Năm 1402, Hồ Quý Ly xâm lăng Champa ép vua Champa dhiraya (Ba Đích Lại) nhường đất Indrapura - Chiêm động hay Đồng dương (Phủ Thăng binh, Quảng Nam) và đất Amaravati-Cổ lụy (Quảng Nghĩa), rồi cải thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa, đặt quan An phủ sứ cai trị và di dân vào khai khẩn. Khi quân Minh xâm lăng nước ta năm 1407, vua champa liền đánh chiếm lại vùng đất đã nhường năm năm trước.
Đến thời Hậu Lê: Dưới đời Nhân Tông vua Champa là Ma Ha Bí Cái (Maha Vijaya) gây hấn đánh Hóa châu năm 1444, nên hai năm sau các tướng Lê Thụ và Lê Khả cầm quân đánh phá Đồ Bàn, bắt Bí Cái, đưa người khác lên thay, rồi rút quân về. Đến đời Thánh tông, vua mới của Champa là Trà Toàn lại xua quân hai lần xâm lấn Hóa châu vào những năm 1468 và 1469, vua Thánh tông phải thân chinh kéo quân đánh dẹp và chiếm Đồ Bàn năm 1471 bắt giết Trà Toàn đem đầu về ở Thăng Long. Vua Lê lấy vùng Amaravâti (Quảng Nam, Quảng Ngãi) và Vijaya (Bình Định) đặt thành "Quảng Nam thừa tuyên đạo" lấy đèo Cù Mông làm ranh giới, và chia phần đất Champa còn lại làm ba nước nhỏ là Hóa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa), Champa, chỉ còn lại từ Phú yên đến mũi Kê gà (Phan Rang- Bình thuận), và Nam Phan(Gia Lai, Kontum, Darlac). Theo những tài liệu Mã Lai, khi Champa bị Lê Thánh Tông tấn công năm 1471, một số quan chức triều đinh Champa bị bắt, một số bỏ trốn qua Chân Lạp, Mã Lai tỵ nạn.
Vào thế kỷ thứ 16, người Champa thường buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Macao (Trung Hoa). Người Bồ Đào Nha hay ghé đến vùng Panduranga (Cam Ranh và Phan Rang ngày nay) và tài liệu của người Bồ Đào Nha đã ghi nhận sự hiện diện của thương thuyền Champa ở cửa khẩu sông Maenam (Menam), là cửa khẩu chính của nền ngoại thương Xiêm La.
Qua thế tk 17, thời chúa Nguyễn: Năm 1611, nhân các bộ tộc người Champa liên kết lại cùng đánh phá vùng biên giới phía nam, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân vượt đèo Cù Mông tiến chiếm vùng Phú Yên ngày nay, giữa Vijaya và Kauthara, đổi thành hai huyện Đồng xuân, Tuyên hóa. Sau đó không lâu vì thấy thuyền bè các nước Tây phương như Bồ Đào Nha và Hòa Lan đang lân la đến các hải cảng của Champa. Sãi Vương Nguyễn Phúc Chu rất lo ngại, nên năm 1631 đã gả người con gái thứ ba là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Champa là Pô-Rômê để tạo sự hòa hiếu với Champa. Sau năm 1639 thì cuộc giao thương giữa Champa và người Bồ Đào Nha hầu như chấm dứt và người Chàm quay sang buôn bán với người Hòa Lan sau khi người Hòa Lan làm chủ Malacca vào năm 1641 và làm chủ con đường buôn bán hồ tiêu qua eo biển Malacca. Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm, vốn là hậu duệ của hoàng gia Chân lạp, đem quân đánh phá Phú Yên nên chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai cai cơ Hùng Lộc vượt đèo Cả sang trừng trị. Bà Thấm thất trận dâng thư xin hàng. Chúa Hiền lấy hẳn vùng Kauthara, lập thành phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh, trong đó có thánh tích Champa là Po Nagar (Tháp Bà, Nha Trang ngày nay). Champa chỉ còn lại vùng Panduranga, phía nam sông Phan Rang. Khi rút về vùng Panduranga, người Champa tiếp tục lập thờ Thánh Mẫu Po Nagar ở một ngôi đền nhỏ ở làng Hữu Đức, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh thuận ngày nay.
Khoảng thời gian từ 1675 đến 1685, theo sử liệu của Thái lan đã cho biết một người anh em của quốc vương Champa đến viếng triều đình Xiêm La, có lẽ để cầu viện; năm 1680 vua Champa còn gởi hai phái bộ đến Batavia (tức Jakarta, Indonesia ngày nay) để liên lạc ngoại giao.
Năm 1692, vua mới là Bà Tranh tự bỏ lệ triều cống. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính) kéo quân xuống hỏi tội và đánh bắt được Bà Tranh và giải về Phú Xuân. Chúa Nguyễn lấy đất Champa còn lại đặt ra Thuận phủ, năm sau lại đổi ra Thuận thành trấn. Đến năm 1697 chúa Nguyễn đặt ra Phủ Bình Thuận, lấy đất Phan lang, Phan lý làm huyện Yên phúc và huyện Hòa đa. Từ đó nước Champa mất hẳn, tuy vậy chúa Nguyễn vẫn cho người Champa còn lại được tự trị một vùng đất ở Bình Thuận cho mãi đến năm 1832, khi vua Minh Mạng ra lệnh bãi bỏ vùng tự trị. Người Chàm nổi dậy chống đối nhưng hai cuộc khởi nghĩa do Katip Sumat lãnh đạo từ 1833 đến 1834 và Ja Thak Va cầm đầu từ 1834 đến 1835 đều bị quan quân dẹp yên nhanh chóng. Trước kia những người Chàm theo Hồi giáo di tản sang định cư ở Ayudhya (bắc Bangkok, Xiêm La) đã tham gia vào một âm mưu lật đổ quốc vương Xiêm La và thay thế bằng người em của ông ta, vì thế triều đình Xiêm La cho phép những người Chàm tị nạn về sau, đến định cư ở vùng Bangkok. Con cháu những người nầy hiện vẫn sống tại đó
Tuy nước Champa đã bị xóa nhưng cuộc nam tiến của dân Việt vẫn tiếp tục cho mãi đến năm 1714 sau khi thôn tính luôn vùng Thủy Chân lạp.

3-Lịch sử nền văn minh Champa theo khoa khảo cổ học:



  Nhà nghiên cứu khoa học người Pháp Etienne Aymorier vào năm 1885 đã khai quật dưới lòng đất tại làng Võ cạnh Nha Trang khám phá ra một văn bia (khắc chữ trên phiến đá Granit) bằng Phạm ngữ (Snskrit) có niên đại vào cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên. Trên văn bia ấy có ghi rõ công trạng của một vị vua Sri-Mara, người đã khai sáng ra một triều đại Vương Quốc Champa đầu tiên. Ðối chiếu với sách Thủy Kinh chú Trung Hoa đã nói ở đoạn trên, ta thấy sử liệu của Trung Hoa và bia ký đã khai quật được hoàn toàn giống nhau về không gian và thời gian lập quốc. Nhân vật Sri-Mara chính là Khu Liên.
Trên văn bia Phạm ngữ của SambhuVarman (Phạm Phàn Chí) vào thế kỷ thứ XI có khắc tên một quốc gia cổ mà trong sách Tân đường Thư có đề cập đến Âu Dương Tu, Tổng kỳ đã phiên âm ra Hán ngữ là Chiêm Bà tức Champa ngày xưa. Người champa xuất thân từ người tiền thân nam đảo cổ Malayo Polynésien , tiền thân của tộc người nam đảo ngày nay, sống trên dãi bờ biển trải dài bắc: từ đảo hải nam trung quốc, nam: bà rịa-vũng tàu ngày nay. Đông giáp biển champa ( biển đông), tây giáp tây lào. Người champa định cư trên dãi đất này từ đầu những năm 2000 trước công nguyên. Tài liệu chính xác nhất là những gì còn lại của nền văn hóa sa huỳnh. Từ thông tin đầu tiên trong Niên giám 1909 của tập san Trường Viễn Đông bác cổ về việc phát hiện “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh” (huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi), đến nay hàng trăm di tích của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ. loại hình di tích di vật đến đặc trưng văn hóa… ngày càng rõ nét Suốt 100 năm qua là một cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu về một nền văn minh cách chúng ta hàng nghìn năm. M.Vinet - một nhà khảo cổ người Pháp - phát hiện những mộ chum đầu tiên vào năm 1909 và cũng là nơi xuất hiện những hiện vật có niên đại sớm nhất của văn hóa Sa Huỳnh.
Thật ra thuật ngữ “văn hóa Sa Huỳnh” không phải có ngay sau khi ông M. Vinet phát hiện khu mộ chum này mà phải đợi một thời gian dài sau đó, khi bà La Barre - vợ một viên thuế quan Pháp ở Sa Huỳnh - vốn ham thích trang sức đá quý và thủy tinh trong chum nên đã huy động dân đào khu mộ chum ở Phú Khương và Thạnh Đức, mỗi nơi thu được 120 chiếc. Đến năm 1934, một nhà khảo cổ học khác tên M.Colani tiếp tục mở rộng không gian ra các vùng lân cận như Phú Lu, Đồng Phú (Quảng Ngãi), Tăng Long, Phú Nhuận (Bình Định). Hàng trăm mộ chum tương tự cũng được phát hiện qua đợt khai quật này. Năm 1935, bà M.Colani đã công bố những phát hiện của mình cùng các đồng nghiệp trước đó tại một cuộc hội nghị tiền sử Viễn Đông ở Manila (Philippines).
Báo cáo của M.Colani lập tức thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ. Cái tên Sa Huỳnh cùng thuật ngữ “văn hóa Sa Huỳnh” bắt đầu hình thành và liên tục mời gọi tất cả giới khảo cổ. Tuy nhiên, hai cuộc chiến tranh suốt 30 năm sau đó đã không cho phép họ thực hiện ý định của mình mà phải đợi đến sau ngày giải phóng miền Nam, các nhà khảo cổ VN mới làm tiếp những dang dở trước đó . Nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung được giới khảo cổ phát hiện từ hơn nhiều năm trước.10 nhà khoa học Đức - Việt tiến hành khai quật di chỉ Lai Nghi ở Điện Bàn, Quảng Nam. Kết quả lần này cùng với hai đợt tiến hành năm trước đã cho ra bức tranh văn hóa Sa Huỳnh chi tiết hơn. Từ trước năm 1975, các nhà khoa học đã phát hiện ở vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) một di chỉ chứng minh tại đây đã từng tồn tại một nền văn hóa phát triển đồng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Óc Eo ở miền Nam, có niên đại cách đây ít nhất 2.400-3.000 năm. Di vật tìm thấy là đồ tùy táng chôn theo người chết được hỏa táng, đặt trong các mộ chum bằng đất nung và chưa xác định được chủ nhân, vì vậy giới khảo cổ tạm gọi đó là nền văn hóa Sa Huỳnh. Do hầu hết các di chỉ đều là mộ táng, lại tập trung ở vùng duyên hải nên giới nghiên cứu đoán định rằng chủ nhân của chúng cư trú tại các hòn đảo trên Thái Bình Dương, có tục hỏa táng và chôn ở đất liền.
Do hoàn cảnh chiến tranh, những phát hiện về văn hóa Sa Huỳnh cũng chỉ dừng lại đó. Riêng tại Quảng Nam, từ những năm sau 1985, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với bảo tàng tỉnh đã đưa lên từ trong lòng đất những kho tàng khảo cổ có liên quan đến nền văn hóa này. Các di vật xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt dày đặc ở Hội An, Điện Bàn. Năm 1993-1995 với sự tài trợ của Tổ chức Toyota Foundation (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ lớn tại Hội An. Phạm vi khảo cổ trên bình diện 70 km2, kéo dài dọc theo sông Thu Bồn. Kết quả có ý nghĩa từ cuộc khai quật này là ở đâu có dấu vết văn hóa Sa Huỳnh thì nơi đó có vết tích của văn hóa Champa. Có thể nhận định đã có sự kế thừa nào đó về mặt địa lý giữa cư dân hai nền văn hóa... Ngoài ra, sự kiện tìm thấy 2 đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng niên đại thế kỷ 1, 2 trước công nguyên, cùng các loại gốm văn in hình học kiểu Hán Hoa Nam tại Hậu Xá, đã xác định một quan hệ giao lưu giữa chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh với bên ngoài. Đồng thời, nhiều hiện vật cũng cho thấy thấp thoáng những di chỉ cư trú nằm cùng tầng văn hóa với văn hóa Sa Huỳnh... Tuy vậy với chừng đó chưa thể xác nhận được chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh từ đâu đến; có quan hệ kế thừa với vương quốc Champa cổ đại sau này hay không? Đợt khảo sát lần này của Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tại di chỉ Lai Nghi (giáp ranh với Hội An) là để làm sáng tỏ những nghi vấn đó. Có một "trung tâm thương mại" Hội An cổ đại. Tiến sĩ Andreas Reinecke, Trưởng đoàn khai quật Viện Khảo cổ chung và so sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, cho biết, kết quả thu được từ khai quật tại Lai Nghi rất lớn và có ý nghĩa rất quan trọng. Trong ba đợt đào, nhóm đã phát hiện khoảng 40 địa điểm có văn hóa Sa Huỳnh, với 62 mẫu mộ chum và mộ đất cùng hơn 10.000 di vật có giá trị. Trong đó số hạt cườm trang sức nhiều chưa từng có từ trước đến nay với 200 loại hạt chuỗi, chế tác bằng 5 loại đá khác nhau, giá trị là hai mề đay (medal) bằng đá đỏ hình chim nước và hổ chế tác rất tinh xảo, lần đầu tiên được tìm thấy tại các di chỉ ở Đông Nam Á. Giá trị nữa là 5 bộ đồ đồng (2 gương soi thời Hán), khuyên tai vàng chưa bao giờ tìm được ở Việt Nam (di chỉ giồng Cá Vồ có, nhưng loại nhỏ, có hình dáng khác) Nhiều loại trong đó chứng tỏ rằng nghề tiểu thủ công của cư dân vùng này rất phát triển. Ví dụ hai chiếc lọ gốm gần như nguyên vẹn được trang trí hoa văn tia mặt trời (thường thấy trên mặt trống đồng Đông Sơn) lạ mắt, rất đẹp bằng ba màu đỏ đen và trắng, gần như chưa từng phát hiện từ trước đến nay tại các hố khai quật văn hóa Sa Huỳnh... Những gì tìm được tại đây, có thể khẳng định rằng Lai Nghi sẽ là một trung tâm khảo cổ lớn nhất về văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam.
A. Reinecke nhận định "chưa có gì xác nhận có một mối liên hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh muộn với văn hóa Champa sớm, nhưng khả năng đã có một bộ phận cư dân văn hóa Sa Huỳnh tiếp tục sống và phát triển trong văn hóa Champa. Bây giờ chúng tôi chưa có điều kiện so sánh giữa hai nền văn hóa này. Song có một điều chắn chắn là, qua sự tương đồng của một số hiện vật tìm thấy tại đây với di chỉ tại một số hòn đảo trên vùng biển Đông Nam Á (ví dụ khuyên tai ba mấu và hai đầu thú). 2.500 năm trước đã có cư dân từ đó đến miền Trung Việt Nam.
Tuy vậy phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ này hầu hết là di chỉ mộ táng có niên đại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến 300 năm sau Công nguyên. Có 3 di chỉ cư trú, nhưng chưa có niên đại chắc chắn, do vậy chưa thể coi đó là của văn hóa Sa Huỳnh. Có thể thời kỳ này người ta làm nhà bằng tranh tre, gỗ nên không để lại vết tích. Quan trọng hơn cả là qua những hiện vật tìm được có thể nói rằng trong thời kỳ này, Hội An đã là một trung tâm kinh tế lớn thu hút từ vùng núi dọc sông Thu Bồn, xuống duyên hải, từ văn hóa Đông Sơn và từ Trung Hoa đến Ấn Độ".Văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, từ khoảng 2000 năm đến những thế kỷ trước Công nguyên. Quá trình hội tụ những nguồn gốc khác nhau đã tiến tới giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa này vào khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay. Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh có quan hệ cội nguồn với các văn hóa hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau ven biển, được coi là những người Tiền Mã Lai - Đa đảo (Proto Malayo Polynesien). Trong quá trình hình thành văn hóa Sa Huỳnh có những liên hệ với những nhóm cư dân cùng thời là những người “Tiền Môn – Khmer” hay Tiền Nam Á. Ngoài ra suốt quá trình phát triển văn hóa này còn có nhiều mối quan hệ giao lưu rộng rãi với những văn hóa thời kim khí ở Đông Nam Á. Qua đó có thể thấy chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh nói tiếng Nam Đảo hay Malayo Polynesien nhiều hơn yếu tố Nam Á. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, vò suốt từ giai đoạn sớm đến muộn, tuy ở một vài địa điểm vẫn có sự hiện diện của mộ huyệt đất.


Các khu mộ phân bố tập trung ở những cồn cát ven biển, lan dần ra các đảo ven bờ, ngoài ra còn phân bố ở vùng đồng bằng và miền núi phía tây. Di tích là những khu mộ táng rộng lớn gồm hàng chục, hàng trăm chum, vò gốm chôn đứng trong địa tầng. Loại hình chum, vò chủ yếu hình trụ, hình trứng, hình cầu đáy bằng có nắp đậy hình nón cụt hay hình lồng bàn. Đặc biệt trong các mộ táng chum, vò thuộc văn hóa Sa Huỳnh ít tìm thấy di cốt hay than tro hỏa táng, vì vậy theo các nhà nghiên cứu táng tục của cư dân Sa Huỳnh có thể là “chôn tượng trưng”.Trong chum/vò chứa nhiều đồ tùy táng gồm các chất liệu đá, gốm, sắt, đá quý, thủy tinh rất đa dạng về loại hình: công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức. Đặc trưng về di vật là sự phổ biến của công cụ lao động bằng sắt, đồ gốm tô màu trang trí nhiều đồ án hoa văn khắc vạch, đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh vòng, hạt chuỗi, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú…
Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh có nền kinh tế đa thành phần, gồm trồng trọt trên nương rẫy và khai thác sản phẩm rừng núi, trồng lúa ở đồng bằng, phát triển các nghề thủ công, đánh bắt cá ven biển và trao đổi buôn bán với những tộc người trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn, với Trung Quốc và Ấn Độ. Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ven biển đã có thể từng là những “tiền cảng thị” (như khu vực Hội An với di tích Hậu Xá chẳng hạn). Dù rằng việc sản xuất gốm để xuất khẩu ở Đông Nam Á ,đặc biệt là ở Đại Việt và Xiêm, phát triển khá mạnh mẽ vào thế kỷ XIV – XV, thường là với sự khởi đầu bất ngờ của kỹ thuật Trung Quốc và kết thúc với kỹ thuật bản địa. Tuy nhiên, lịch sử hải thương của khu vực Đông Nam Á, kết hợp với những kết quả trong nghiên cứu khảo cổ học ở các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây, đã phần nào bổ sung cho chúng ta những tư liệu quan trọng về sự xuất hiện của những sản phẩm gốm thương mại có nguồn gốc Đông Nam Á . Về đồ gốm thì hầu như tất cả các ghi chép về Champa trong Chufanchi (1225), Dauyi Zhilue (giữa thế kỷ XIV) và Yingua Shenglan (1416) đều chỉ nói đến việc nhập các đồ sứ Trung Quốc. Những tài liệu trên hầu như không nhắc đến những sản phẩm gốm ở Đông Nam Á. Lệnh cấm hoàn toàn các chuyến đi và buôn bán vải hải ngoại được ban hành năm 1371 (năm thứ 3 niên hiệu Hồng Vũ) trong thời kỳ đầu thời nhà Minh. Sau đó, nó lại được tái ban hành vài lần và cuối cùng bị bãi bỏ năm 1471 (năm thứ 6 niên hiệu Long Khánh).


Nó ngăn cấm nghiêm ngặt những chuyến đi và buôn bán hải ngoại của người Trung Quốc. Kết quả là, buôn bán gốm từ Trung Quốc bị hạn chế lớn trong thời kỳ này. Gốm Thái Lan, Việt Nam và Champa xuất hiện ở các vùng bờ biển xung quanh biển nam Trung Quốc như để thay thế đồ gốm Trung Quốc. Di chỉ tiêu biểu của thời kỳ này là tàu đắm ngoài khơi đảo Palawan, được khai quật năm 1995. Đồ gốm Champa bao gồm đĩa celadon, bát men nâu với thân chiết yêu và các vò men nâu của lò Gò Sành.Trong những năm gần đây, tại các lò gốm Gò Sành và một vài lò gốm khác, tất cả đều ở quanh thủ đô Vijaya thuộc tỉnh Bình Định ngày nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đồ gốm xuất khẩu như đĩa men và bát men celadon và các hũ sành được sản xuất trong những thế kỷ XIV-XVII mà không hề có sự phát triển trước đó của kỹ thuật bản địa. Những mảnh vỡ của đồ gốm Gò Sành đã được khai quật thấy ở Ai Cập, đảo Tioman ở Ma-lai-xia; Santa Ana và Calatagan ở Phi-lip-pin… và thường được tìm thấy cùng với những đồ sứ Trung Quốc. Có tiếng vang nhất là việc tìm thấy hàng trăm đồ gốm tráng men celadon của Gò Sành trong con tàu đắm gần hòn đảo Pandaran ở Philippin. 


Không nghi ngờ gì nữa, những sản phẩm này bắt đầu có trước khi Đại Việt đánh chiếm Vijaya, thế nhưng những người thợ thủ công thuộc tộc người nào thì còn chưa rõ. Chắc hẳn Champa cũng đã bị cuốn vào trào lưu sản xuất đồ gốm thương mại chung ở Đông Nam Á lục địa vào thời kỳ cuối Nguyên (1260-1368) và đầu Minh (1368-1644), khi mà việc xuất khẩu đồ sứ Trung Quốc bị giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế và do lệnh cấm buôn bán với nước ngoài. Với việc phân phối rộng khắp bằng đường biển qua Ấn Độ Dương, đồ gốm Champa được khai quật từ địa điểm A1-Từ trên bán đảo Sinai ở Hy Lạp, từ thành phố cảng thời trung cổ của Julfar trong phạm vi của Ras al -Khaimab ở tiểu vương quốc Arập, từ di chỉ Juara trên đảo Tioman ở đảo Ma-lai-xia và từ di chỉ mộ táng ở bán đảo Calatagan và tàu đắm ở ngoài biển khơi của đảo Pandanan, Phi-lip-pin. Đồ gốm Champa được xuất khẩu ra nước ngoài vào khoảng thế kỷ XV và việc sản xuất đồ gốm ở Gò Sành phát triển rất rực rỡ vào thời gian ấy. Trong bất kỳ trường hợp nào, thì rõ ràng là kinh đô Champa đã có một mạng lưới buôn bán vào thế kỷ XV, bao gồm cả Hy Lạp, Các Tiểu vương quốc Arập, Ma-lai-xia, quần đảo Philippin. Thực tế này đã xác nhận sự rộng lớn của mạng lưới buôn bán của Vương Quốc Champa trên biển. Đồ gốm không giống với vải lụa, vẫn tồn tại trong các di chỉ mà không bị phân hủy và biến mất, thậm chí ngay cả khi chúng bị vỡ thành từng mảnh nhỏ. Khi các khu vực (lò) và niên đại sản xuất của một số đồ gốm khai quật đã được xác định, chúng sẽ là tư liệu quý giá để làm rõ niên đại và đặc trưng của chính các di chỉ. Nằm ở vị trí trung độ trên con đường giao lưu quốc tế đông-tây, Trung Quốc với Ấn Độ và xa hơn, tới Địa Trung Hải, Đông Nam Á sớm trở thành một đầu mối mậu dịch hàng hải quốc tế. Từ đầu công nguyên, những con thuyền của cư dân trong vùng, thuyền của người Ấn, người Hoa cùng với nền văn hóa của họ đã thường xuyên qua lại vùng Đông Nam Á. Trên con đường giao lưu đó, Champa chiếm lĩnh một trong những vị trí quan trọng và thuận lợi nhất. Các cảng của Champa đóng vai trò như những cảng cuối cùng trước khi những con thuyền vượt qua vịnh Bắc Bộ vào vùng biển Trung Hoa và là nơi dừng chân đầu tiên khi từ Trung Quốc đến Malacca, Vịnh Thái Lan hay gần hơn là tới vùng hạ lưu châu thổ sông Mê Kông mà 7 thế kỷ đầu công nguyên thuộc vương quốc Phù Nam. Có thể thấy hầu hết các tuyến đường biển đến Trung Hoa hay từ Trung Hoa đi qua Ấn Độ đều rẽ qua các cảng biển Champa. Từ một đầu mối giao thông quan trọng, bờ biển Champa đã sớm trở thành một đầu mối giao thương, nơi trao đổi sản vật và sản phẩm với những thuyền bạn bè qua lại. Champa hùng mạnh nhất vào khoàng năm 800 đến năm 1000. Trong khoảng thời điểm đó, Người Chăm rất nổi tiếng trong việc buôn bán các loại gia vị và tơ lụa với các nước như Trung Quốc, Nusantara ( Indonesia, Malaysia, brunei…ngày nay) và nước Abbasiah ở Baghdad (Bát Đa- xứ 1001 đêm). Vào khoảng năm 800, người Chăm được biết đến với tài đi biển rất gỏi và những thương nhân tài ba. Theo ông Tan Sri Prof. Emeritus Dr. Ismail Hussein, chủ tịch hội nhà văn Malaysia gọi tắt là (GAPENA) có nói. Vùng biển mà ngày nay được gọi là Biển Nam Trung Quốc thật sự trước kia được gọi là Biển Champa, nó từng là một vùng thương mại và vận chuyển quan trọng của người Chăm. Sự hùng cường về thương mại và vận chuyển của đế chế Champa nhanh chóng được nổi tiếng và rất nhiều người biết đến không chỉ ở Nusantara mà là toàn thể thế giới lúc bấy giờ, dẫn đến vùng biển này được gọi với tên Biển Champa.


Người Champa “có cái nhìn về biển đúng đắn, biết tham dự và dấn thân tích cực vào luồng thương mại quốc tế “, tận dụng những lợi thế đó để phát triển vương quốc của mình thành một cường quốc trong khu vực. Hoạt động thương mại biển đã góp phần quan trọng vào quá trình tồn tại và phát triển của vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ X đến thế kỷ XV. Quan hệ thương mại của vương quốc Champa từ nửa cuối thế kỉ X đến thế kỉ XV. Trong suốt quá trình phát triển của mình, vương triều Vijaya đã dày công xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia vùng hải đảo. Vương quốc Champa ngày càng dự nhập mạnh mẽ vào sự phát triển chung của lịch sử khu vực. Những mối quan hệ được dày công xây dựng, một mặt nhằm củng cố vị thế của Champa đối với lịch sử khu vực, mặt khác tạo ra những tiền đề thuận lợi để Champa mở rộng thương mại và dự nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào nền hải thương khu vực, nhằm bù lấp cho những thiếu hụt của nền kinh tế trong nước. Các vua Champa rất có ý thức trong việc buôn bán với người nước ngoài, tạo điều kiện lợi dụng và trọng dụng họ. Sau khi Quảng Đông bị phá hủy (758), việc làm ăn với thương nhân người Hoa gặp khó khăn. Trên thực tế, từ 877 đến 951, Champa không có quan hệ bang giao gì với Trung Quốc vì sự hỗn loạn cuối thời Đường. Trong thời gian đó, họ kịp thời mở của làm ăn với thương nhân Hồi giáo Arập đang ngang dọc khắp thế giới Đông-Tây. Khi Quảng Đông được mở cửa lại dưới triều Hậu Chu (951-959) và sau đó là triều Tống (960 –1279), vua Đồng Đường liền xúc tiến lại mối quan hệ giữa hai nước thông qua những nhà buôn Hồi giáo ở Panduranga. Người Hồi giáo là những người quản lý của khu buôn bán ở Panduranga. Những thương nhân Hồi giáo này đã có những liên hệ mật thiết với Vương triều Champa, được tiếp xúc thường xuyên với vua Chăm và được vua Chăm trọng dụng. Những bằng chứng mà P.Y.Manguin (1979) đã đưa ra cho thấy, trong những người thuộc đoàn sứ giả Champa sang Trung Quốc vào năm 951 và những năm sau đó, có người mang tên bắt đầu bằng chữ Pu hay Bu biến âm từ chữ Arập Abu. Năm 958, người đại diện chính thức của vua Champa là người Hồi giáo có tên là Abu Hasan (P’s Ho San ). Ông đã thay mặt vua Champa là Indra varman III (917-960) tặng hoàng đế Trung Hoa nước hoa hồng, cây đèn “ngọn lửa Hy Lạp “ và những viên đá quý. Năm 961, Abu Hasan trở lại Trung Hoa mang theo thư của vị vua mới là Java Indravarman I, kèm theo những tặng phẩm được liệt kê ra như gỗ trầm, ngà voi, vải lụa... và đặc biệt có 20 hũ Arập. Tất cả những tặng phẩm trên có những thứ là của Champa, nhưng nhiều tặng phẩm như “nước hoa hồng“, ”đèn Hy Lạp “ là hàng của Arập thì chắc chắn là sản phẩm thương mại được các thương nhân Hồi giáo Arập đem đến trao đổi ở các cảng Champa. Đó đều là những sản phẩm thương mại có được từ các thương cảng của Champa .Về những mặt hàng buôn bán xuất khẩu của Champa trong thời kỳ này, chúng ta có thể tham khảo các loại hàng hóa đã được trao đổi và mua bán tại cảng -thị Hội An và các cảng–thị khác ở miền Trung như Thanh Hà (Thừa Thiên- Huế ), Nước Mặn, Thị Nại (Bình Định )... trong các thế kỷ XVII-XVIII, vì sự phồn vinh của các cảng–thị này đương thời có thể được xem như sự tái sinh của các cảng - thị Champa vào những thế kỷ trước đó. Về các loại sản vật ở miền Trung Việt Nam vào thế kỷ XVI có thể tham khảo trong Ô Châu Cận Lục : “... ngà voi, sừng tê, trầm hương, bạch ngọc hương, tô nhủ hương, biện hương, thổ cẩm trắng, thổ cẩm xanh, da trâu, nhựa thông, sừng trâu, da hươu, nhung nai, da hươu cái, lông đuôi chim công. Lông đuôi chim trĩ, hồ tiêu, mật ong, sáp vàng, dây mây ...” .Những loại sản vật này, mà phần lớn đều là lâm sản nên có thể được xem là những đặc sản của Champa vào những thế kỷ trước đó, được thu nhập bởi cư dân miền ngược rồi đem trao đổi với cư dân miền xuôi. Điều đó cho thấy mối liên hệ khá chặt chẽ giữa các vương triều Champa với các tộc người miền núi mà sợi dây liên kết có lẽ là những dòng sông chảy từ thượng nguồn ra biển rất phổ biến ở miền Trung Việt Nam. Việc giữ mối liên hệ bền chặt và lâu dài giữa các vương triều Champa với các tộc người miền núi đảm bảo cho vương quốc Champa có thể duy trì được một sự cân bằng tương đối trong việc phát triển kinh tế, giữa kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp và kinh tế lâm nghiệp. Điều này còn có ý nghĩa hơn nữa khi chúng có thể đảm bảo những sản phẩm thương mại cho vương quốc Champa, để Champa có thể duy trì những mối quan hệ thương mại, buôn bán với các quốc gia trong khu vực. Các nhà nghiên cứu đã giải thích hệ thống chính trị - kinh tế của vương quốc Champa theo một mô hình được gọi “hệ thống trao đổi ven sông“. Theo mô hình này, ”hệ thống trao đổi ven sông“, có một vùng duyên hải để làm cơ sở cho một trung tâm thương mại, thường tọa lạc ở một cửa sông. Đây cũng là trung tâm giao dịch hải thương quốc tế và là điểm kết nối giữa các của sông khác của các vùng lân cận. Cũng có những trung tâm thượng nguồn, đó là những điểm tập trung ban đầu của các nguồn hàng có nguồn gốc từ những nơi ở xa sông nước. Những nguồn hàng này được sản xuất ở các vùng mà các dân cư sống trong các bản làng ở miền thượng du hoặc thượng nguồn không họp chợ. Sau đó nguồn hàng này được tập kết về các trung tâm ở ven biển. Mỗi Mandala có riêng một hệ thống trao đổi ven sông như vậy. Biên niên sử Trung Quốc từ thời kỳ Bắc Tống (960-1127) đã chỉ ra rằng vào cuối thế kỷ X đã hình thành những tuyến đường biển nối liền những địa điểm cư trú vùng biển ở quần đảo Philippin, bờ biển Bắc của Đảo Borneo và Champa. Tống sử cho biết rằng vào năm 977, nhà cầm quyền Brunei đã gửi quà biếu đến đế chế Trung Hoa và sứ giả của phái đoàn thông báo với triều đình của đế chế rằng May-i (đảo Midoro) cách Borneo một khoảng 30 ngày đi thuyền. Năm 1003, phái đoàn được ghi lại sớm nhất mang quà biếu của Philippin đi đến Trung Quốc từ Butuan. Tống sử mô tả chính thể này ở đông bắc Mindanao như là “một đất nước nhỏ trong biển ở phía Đông của Champa, xa hơn May-i, có quan hệ thường xuyên với Champa nhưng rất hiếm khi với Trung Quốc. Nhiều thế kỷ sau, hàng hóa thương mại được chuyên chở từ miền Trung Việt Nam dọc theo tuyến phía Bắc của Borneo, như được chứng minh bởi lô hàng trên con tàu Pandanan, ở phía Tây Nam Philippin. Chúng ta không tìm ra được những bằng chứng về mối quan hệ trực tiếp giữa Philippin và Trung Quốc, ít ra cho đến đầu nhà Minh. Nhưng với Champa thì thường xuyên và khá độc đáo. Dường như Champa đã đóng vai trò độc quyền trong quan hệ với Philippin một thời gian dài (từ trước thế kỷ X đến XIII ). Do đó, thương mại và cống nạp của Philippin đến được Trung Quốc là thông qua Champa. ”Con đường của đồ gốm thương mại Quảng Đông có lẽ từ Trung Quốc tới Champa và rồi tới Butuan”. Champa đóng vai trò trung gian là trạm trung chuyển đồ gốm giữa Trung Quốc với những miền định cư ở rìa phía Đông của biển Nam Trung Quốc như Ma-i, đảo Borneo và BuTuan. William Scott cũng đã đưa ra những cứ liệu lịch sử để minh chứng cho nhận xét của Peter Burns và Roxanna Brown, trên cơ sở những ghi chép của Tống Sử: “Đoàn triều cống đầu tiên đến Trung Quốc dường như đi từ Buutan ngày 17-3-1001”. Năm 1007, Butuan thỉnh cầu với Hoàng đế Trung Hoa để được nhận một vị trí tương tự như Champa, nhưng lời thỉnh cầu bị từ chối với lý do là Butuan ở dưới trướng Champa. Chỉ vào khoảng thế kỷ XIII thì con đường liên hệ trực tiếp LuZon và Fujian mới trở nên phổ biến, trước đó tất cả các việc buôn bán với Trung Quốc đều đi bằng con đường của Champa. Nhiều khả năng, những con thuyền chạy trên vùng biển Butuan-Champa là thuyền của Champa, bởi trong thời kỳ này nghề đóng thuyền và đi biển của Champa đã rất phát triển và thủy thủ Champa là những người dày dạn kinh nghiệm. Champa đã lợi dụng vị trí trung gian của mình giữa Philippin và Trung Hoa để xúc tiến những hoạt động thương mại. Biển Champa có thể được xem là“sân chơi” Của các tộc người Malayo Polynésien. Dấu vết của sự kiện này vẫn được tìm thấy ở những vùng đất đai mà ngay nay người Mã Lai vẫn đang nấm quyền sở hữu, cụ thể là tiểu bang Kelantan của Malaysia. 


Sự nổi tiếng về thông thương qua lại giữa Champa và Malaysia lúc bấy giờ mạnh đến nổi khiến vùng đất này (bang Kelantan) được gọi là “ nơi dừng chân của Chepa”. “ Chepa” ở đây là Champa phát âm theo giọng địa phương của người Kelantan-Pattani. Có lẽ chúng ta hãy nên trả lịch sử về cho lịch sử. Và những đứa con Melayo-polynesian (cụ thể là sắc dân Chăm. Cũng như phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác trong lịch sử, Champa đã chủ động dự nhập mạnh mẽ vào hệ thống thương mại khu vực để bù lấp những thiếu hụt của nền kinh tế nước mình, biến tiềm năng kinh tế bên ngoài thành bộ phận kinh tế quan trọng của mình. Có thể thấy rằng Champa có những mặt hàng có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường Trung Quốc và Tây Á. Champa với các thế mạnh của mình về vị trí địa lý,đội tàu thuyền hùng hậu, cũng như những mặt hàng thương mại có giá trị, không những đã trở thành một trạm trung chuyển hàng hóa (Entrepôt) cho các thị trường lớn trên thế giới, mà còn là nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng cho nền thương mại khu vực và thế giới. Hoạt động thương mại thực sự trở thành một thế mạnh và là nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế Champa. Một nguồn hàng bí mật mà người Champa thu mua từ Butuan (Philippin) suốt nhiều thế kỷ mà các thương nhân Trung Hoa không hề hay biết. Vương quốc Champa đã có thể giấu Trung Quốc vị trí chính xác của Butuan. Champa muốn giữ bí mật vì đây là nơi sản xuất vàng có quy mô lớn và rất quan trọng. Những cuộc khai quật ở Butuan đưa ra được những bằng chứng về việc sản xuất vàng trên quy mô lớn, cả vàng thường và vàng thau, đã cho phép chúng ta thấy Champa là một nguồn vàng bí mật mà Trung Quốc không biết. Những mối liên hệ và quan hệ thương mại giữa Champa và Butuan chắc chắn đã có trước ít nhất là từ thế kỷ X. Với việc khai thác tối đa những nguồn lợi vốn là thế mạnh của mình, cùng với việc dự nhập mạnh mẽ vào luồng thương mại khu vực và quốc tế, Champa trong một thời gian dài trở thành một cường quốc thương mại trong khu vực, đóng vai trò là một trung tâm liên vùng – trung tâm thu gom và phân phối hàng hóa với chức năng trung chuyển giữa trung tâm liên thế giới với các vùng. Từ đây, chúng ta thấy một phần nào câu hỏi trong lịch sử champa: vì sao champa lại có vàng nhiều, trong khi đất nước họ không có mỏ khai thác vàng. Mật độ phân bố và quy mô các di tích tháp champa cho biết đó là những khu vực tụ cư đông đúc và lâu đời, một xã hội sức có nền sản xuất khá phát triển và do đó, vào giai đoạn cuối của nền văn hóa này có thể đã hình thành một hình thái “nhà nước sơ khai” kiểu liên minh bộ lạc. Cùng trên địa bàn mà sau này hình thành nhà nước Lâm Ấp – vương quốc Champa, mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành nhằm tìm hiểu mối quan hệ này. Địa bàn quan trọng là tỉnh Quảng Nam vì đây được xem là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa. Trong nhiều di tích các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Champa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh con đường phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa. Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra từ thư tịch cổ một số “yếu tố Sa Huỳnh” trong xã hội và văn hóa Chaqmpa. Từ không gian và thời gian, trên cơ sở những tư liệu khảo cổ học, đến nay có thể cho rằng nhà nước Champa là sự tiếp nối văn hóa Sa Huỳnh, được hình thành trên cốt lõi văn hóa Sa Huỳnh dưới ảnh hưởng những yếu tố văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Đông.
Phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam, nhưng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi, còn khu vực Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Thuận những di tích và di vật thời tiền – sơ sử chỉ được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975. Cho đến nay số lượng di tích ở khu vực này không nhiều và có thể nói, tính chất và diện mạo của “văn hóa Sa Huỳnh” ở đây có phần khác biệt so với vùng trung tâm, kể cả giai đoạn nối tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa. Văn hóa khảo cổ ở đây có những nét độc lập nhất định so với vùng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh. Ngay từ giai đoạn đồ đồng ở khu vực Khánh Hòa đã phân lập được một văn hóa khảo cổ là “văn hóa Xóm Cồn”.
Theo công trình Văn hóa Xóm Cồn với tiền sử và sơ sử Khánh Hòa thì văn hóa Xóm Cồn là một văn hóa khác Sa Huỳnh và sớm hơn “Sa Huỳnh cổ điển”. Xóm Cồn là một văn hóa có niên đại sớm nhất thuộc thời đại kim khí ở Khánh Hòa nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung, mặc dù chưa xuất hiện di vật bằng kim loại nhưng dựa vào sự tiến bộ của đồ gốm cũng như trong bối cảnh đồng đại của khu vực, văn hóa Xóm Cồn có thể được xem là mở đầu cho thời đại kim khí khu vực miền Trung. Tại tất cả các di tích thuộc văn hóa này hoàn toàn vắng mặt những di vật và sắc thái văn hóa đặc trưng của Sa Huỳnh như chum, vò lớn, vũ khí công cụ bằng sắt, khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu… Đến giai đoạn muộn sơ kỳ thời đại Đồ Sắt, ở một số di tích mộ vò ở Nam Trung bộ như Hòa Diêm (Cam Ranh, Khánh Hòa), Hòn Đỏ, Bàu Hòe (Bình Thuận) có nhiều yếu tố khác biệt mộ chum vò Sa Huỳnh điển hình và thậm chí còn có những yếu tố gần gũi với văn hóa Đồng Nai ở miền Đông Nam bộ như hình dáng chum, vò mai táng, hiện tượng di cốt và than tro hiện hữu trong chum, vò táng…
Như vậy, văn hóa Sa Huỳnh với giai đoạn đỉnh cao là “Sa Huỳnh cổ điển” vào sơ kỳ đồ sắt cần được hiểu là kết quả hội tụ sự phát triển của từng khu vực trong các giai đoạn thuộc thời Đồng thau trước đó (khoảng 1.500 – 500 trước công nguyên), cho đến nay biết được là ở Quảng Nam có Bàu Trám, Quảng Ngãi có Long Thạnh, Bình Châu, Cù lao Ré, đảo Lý Sơn, Bình Định có Bàu Đỏ, Phú Yên có Gò Ốc, Gò Bộng Dầu, Khánh Hòa có Xóm Cồn, Bích Đầm, Hòn Tre, Ninh Thuận có Hòn Đỏ, Bình Thuận có Bàu Hòe, đảo Phú Quý… Ngoài ra những phát hiện khảo cổ học ở Tây Nguyên gần đây cũng góp phần chứng minh cho sự phát triển “văn hóa đa tuyến” ở khu vực miền Trung: văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), Lung Leng (Kon Tum), những di tích ở Đăk Lắk, Đăk Nông… đều thể hiện những đặc trưng riêng biệt đồng thời vẫn có “yếu tố Sa Huỳnh” trong di tích và di vật, nhất là về mộ chum, cách thức mai táng và đồ tùy táng chôn theo. Những nhóm di tích hay văn hóa khảo cổ này có sắc thái văn hóa rất đa dạng từ biển và hải đảo đến núi và rừng, vừa độc lập với nhau vừa có mối giao lưu hoặc quan hệ tộc thuộc với nhau và cùng tham góp vào quá trình đưa văn hóa Sa Huỳnh phát triển lên đỉnh cao trong thời đại sơ kỳ Đồ Sắt (khoảng 500 năm trước Công nguyên đến đầu công nguyên). Đây cũng là hiện tượng và quy luật chung của các văn hóa thời đại kim khí như văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc với các tuyến phát triển ở lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, văn hóa Đồng Nai với các tiểu vùng phù sa cổ Đồng Nai, lưu vực Vàm Cỏ và vùng ngập mặn ven biển Đông Nam Bộ.
Như vậy, nam và cực nam Trung Bộ là nơi tụ hội từ biển – đảo vào, từ rừng – núi xuống của nhiều tộc người và ngữ hệ từ sau thời kỳ đá mới. Sang sơ kỳ kim khí càng phân lập, về cơ bản có hai hệ: Nam Đảo ở biển và ven biển và hệ Nam Á ở đồi núi và rừng. Hai hệ này lại phân chia thành nhiều nhóm tộc người khác nhau nhưng cũng tăng cường giao lưu giao tiếp (cả xung đột nữa) về kinh tế, văn hóa, xã hội với nhau. Phân bố trên dải đất này văn hóa Sa Huỳnh là thành quả đóng góp của nhiều nhóm cư dân – tộc người, trong đó mang đậm dấu ấn văn hóa biển của những người thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesien cư trú trên vùng đảo và quần đảo Đông Nam Á (và rộng hơn), bên cạnh dấu ấn văn hóa của những người thuộc ngữ hệ Nam Á – Môn Khmer cư trú trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên. Quá trình tiếp xúc, giao lưu giữa các tộc người đã tạo nên sắc thái đặc trưng từng vùng, từng khu vực. Từ nền văn hóa sa huỳnh mà các nhà khỏa cổ học khai quật được, chứng minh rằng người champa là tiền thân của người nam đảo Malayo – Polynesien. Các nhà sử học từng quan niệm miền Trung là vùng đất giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi cũng như giữa miền Bắc và miền Nam. Theo mô hình “mạng lưới giao thương miền ngược – miền xuôi” của Bennet Bronson, hệ thống giao thương ven sông là đặc trưng tiêu biểu của một trung tâm thương mại duyên hải, vốn thường được xây dựng tại một cửa sông và đóng vai trò trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, cũng có những trung tâm thương mại nằm sâu trong đất liền hay ở miền ngược xa xôi, có chức năng như những “trạm cung cấp” hoặc các điểm tập trung ban đầu đối với nguồn hàng hóa xuất xứ từ những vùng ở xa sông nước hơn. Cư dân sống ở miền ngược hoặc các làng bản thượng nguồn thường sản xuất và vận chuyển lâm sản đến trung tâm thương mại ở cửa sông, nơi họ tìm thấy dân cư tập trung đông đúc hơn và qua đó có thể tiếp xúc với một “nền kinh tế có trình độ kỹ thuật sản xuất tiên tiến hơn”. Các học giả đã áp dụng mô hình của Bronson trong việc nghiên cứu lịch sử các nhà nước cổ đại ở bán đảo Malaysia và Sumatra, cũng như Champa – một vương quốc cổ chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở miền Trung Việt Nam. Mô hình này cũng hoàn toàn phù hợp với các điều kiện địa lý của miền Trung, nơi vương quốc Champa đã hiện hữu trong quá khứ. Tại khu vực này, hầu hết sông ngòi chảy từ Tây sang Đông, và từ các dãy núi và cao nguyên đổ ra biển. Dọc theo mỗi con sông, ở miền ngược, có nhiều làng mạc tụ cư của các dân tộc thiểu số. Nhờ những con sông này, các dân tộc vùng cao thông thương giao lưu với các trung tâm thương mại ven biển nằm ở cửa sông. Các hiện vật khảo cổ cho thấy sự giao thương giữa miền ngược – miền xuôi đã diễn ra từ thời tiền sử. Những hiện vật khảo cổ mới phát hiện (có niên đại từ thế kỉ thứ 5 TCN đến thế kỉ thứ 2) đã giúp các nhà khảo cổ học có những khám phá mới về hệ thống giao thương miền ngược, miền xuôi ở miền Trung từ thời tiền sử.Từ thập niên 1990, các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế đã khai quật được nhiều những hiện vật tại các di chỉ khảo cổ ở miền Trung, đặc biệt lưu vực sông Thu Bồn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam; cung cấp cho chúng ta những hiểu biết toàn diện hơn về quá khứ của vùng đất này cũng như một kiến thức sâu sắc về hoạt động tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong suốt thời tiền sử. 
Các hiện vật khảo cổ tìm thấy ở miền Trung cho thấy nơi này chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa ngoại lai, đó là của nhà Hán Trung Quốc (206 TCN – 220) và của Ấn Độ. Những hiện vật này chứng minh trong quá khứ đã tồn tại mối quan hệ hải thương giữa một số cảng-thị và các tiểu quốc ở miền Trung với các cảng-thị khác ở Trung Hoa và tiểu lục địa Ấn Độ. Miền Trung đóng vai trò quan trọng trong “Con đường Tơ lụa trên Biển” (Maritime Silk Road) trong giai đoạn từ năm 500 TCN đến năm 300, nhờ vào các nguồn tài nguyên rừng phong phú cũng như địa thế thuận lợi, nơi có nhiều ví trí tiềm năng để xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa tiện dụng. 
Văn hóa Sa Huỳnh dọc sông Thu Bồn
Các nhà khảo cổ đã khai quật một số lượng lớn các di chỉ mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, cũng như dọc theo các phụ lưu của sông này đổ xuống vùng xuôi. Năm 1985, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật bãi mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở làng Tabhing nằm sâu trong nội địa thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, dọc theo một dòng sông chảy vào Bến Giằng, một vị trí giao thương quan trọng trong khu vực. Làng Tabhing là nơi cư trú của người Katu, một dân tộc thiểu số nói tiếng Môn-Khmer ở dãy Trường Sơn. Từ năm 1997, các nhà khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học Nhật Bản tiến hành khai quật các di chỉ Sa Huỳnh tập trung ở khu vực miền núi sâu trong đất liền, dọc theo các vùng trung du và thượng lưu sông Thu Bồn.
Các di chỉ khảo cổ khai quật được ở cả đồng bằng duyên hải lẫn vùng sâu trong đất liền thuộc lưu vực sông Thu Bồn cùng bộc lộ hai giai đoạn văn hóa: một giai đoạn đầu và một giai đoạn sau. Các hiện vật văn hóa khảo cổ khai quật được tại các khu vực ở thượng nguồn lẫn hạ lưu cho thấy việc giao thương đã xuất hiện từ thời đó và phát triển liên tục từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn sau; chúng là những bằng chứng hiển nhiên chứng minh sự tương tác giữa miền ngược và miền xuôi suốt thời kỳ tiền sử. 
-Văn hóa Sa Huỳnh và Thương mại quốc tế
Thư tịch cổ của Trung Hoa cũng cung cấp chứng cứ cho thấy miền Trung Việt Nam đã xuất khẩu các loại gỗ thơm sang Trung Hoa. Theo những ghi chép của triều đình Trung Hoa từ thế kỉ thứ3, như cuốn “Nam Châu dị vật chí” (Nanzhouyiwuzhi), thì trầm hương được sản xuất tại châu Nhật Nam (nay là miền Trung Việt Nam) nơi cư dân thu thập gỗ trầm từ rừng núi. Hầu hết các nhà khảo cổ học nghiên cứu tại miền Trung đều đồng ý với quan điểm rằng có thể chứng minh sự tồn tại của một mối quan hệ quốc tế giữa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Ấn Độ và Trung Hoa, diễn ra theo các giai đoạn sau: Giai đoạn đầu, từ thế kỉ thứ V TCN đến thế kỉ thứ II, miền Trung (lưu vực sông Thu Bồn) là vùng đất giao thoa giữa hai dòng văn hóa, chịu ảnh hưởng của Trung Hoa từ phương Bắc và Ấn Độ từ phương Nam. Dựa vào các loại hàng hóa nhập khẩu, các nhà khoa học kết luận rằng trong thời kì này văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc có sức ảnh hưởng mạnh hơn văn hóa Ấn Độ từ phương Nam. Giai đoạn thứ hai là khoảng thời gian tiếp theo, từ thế kỉ thứ II đến thế kỷ thứ V, Ấn Độ và Trung Hoa có sức ảnh hưởng ngang nhau đối với miền Trung. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Ấn Độ đã trở nên vượt trội hơn so với Trung Hoa từ thế kỉ thứ V trở đi. Không gian văn hóa của các di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh ở miền Trung, từ vùng duyên hải đến vùng núi, có sự trùng lắp chính xác với các di chỉ khảo cổ vương quốc (các tiểu quốc) Champa hình thành trong các thế kỉ sau đó. 
Thu Bồn – Con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung
Sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam là con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung. Lượng mưa trung bình ở khu vực này xấp xỉ 4.000 mm/năm. Nhờ có lượng mưa dồi dào, sông Thu Bồn có nguồn nước đầy đủ quanh năm. Đây là dòng sông chính kết nối các vùng núi với các vùng duyên hải. Chính vì vậy con sông đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Từ thế kỉ thứ V, các triều đại Champa đã tôn thờ con sông này như một dòng sông thiêng, đặt tên là Mahanadi (Sông Mẹ Vĩ Đại) hay Nữ thần Ganga, vợ của Thần Siva. Lưu vực sông Thu Bồn là giao điểm của tất cả các sông chính ở tỉnh Quảng Nam. Nhiều khu chợ sầm uất dọc sông Thu Bồn là các địa điểm tập trung lâm sản trước khi chuyển đến phố – cảng Hội An. Thượng nguồn của sông Thu Bồn là nơi giao nhau giữa vùng núi và vùng trung du. Nơi đây có bến Hòn Kẽm – Đá Dừng ở thôn Thạch Bích, là nơi các nhà khảo cổ phát hiện được tấm bia đá có niên đại từ thế kỉ thứ VII. Theo chữ khắc trên bia này thì bia thuộc triều vua Prakasa dharma (thế kỷ thứ 7): “Sri Prakasa dharma, vua Champa luôn chiến thắng, người chủ của vùng đất này,… đã dựng bia tại đây để thờ thần Amaresa (Siva)”. Các chữ Champa khắc trên bia là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy khu vực này trước đây do các vua Champa cai trị. Thôn Thạch Bích cũng có những di chỉ khảo cổ tiền sử được khai quật vào tháng 8.2001. Từ đây, các nhà nghiên cứu kết luận rằng “hệ thống giao thương miền ngược – miền xuôi” đã được cư dân Champa sớm thiết lập từ thế kỉ thứ VII, hoặc cũng có thể có trước cả thời kỳ Champa.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều tác phẩm nghệ thuật của người Chàm tại các khu chợ ven sông nổi tiếng thuộc hạ lưu sông Thu Bồn. Các tác phẩm này là bằng chứng cho thấy tất cả các địa điểm này đều có mối liên hệ với các di tích lịch sử Champa. Do vậy, các nhà nghiên cứu cũng giả định rằng các mô hình tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong khu vực này đã được hình thành từ các thời kì xa xưa hơn, với mục đích tập trung nguồn lâm sản để xuất khẩu, thậm chí còn trước cả thời hoàng kim của phố-cảng Hội An trong các thế kỉ XVII và XVIII. Dần dà các mô hình này được phát triển thành “mạng lưới thương mại mậu dịch rộng khắp và trở thành các khu chợ trung chuyển và xuất khẩu quan trọng bậc nhất ở biển Đông”. 
‘Hệ thống giao thương miền ngược và miền xuôi’ trong thời kỳ Champa (từ thế kỉ thứ II đến thế kỉ thứ V)
Nền kinh tế của vương quốc hay các tiểu quốc Champa, ngoài nền tảng ngư nghiệp và nông nghiệp, phần lớn tập trung vào thương mại duyên hải với Ấn Độ, Trung Hoa và các vùng quốc gia khác ở Đông Nam Á. Champa chính là nguồn cung cấp gần gũi nhất, từ đây, Trung Hoa đã có thể nhập cảng nhiều loại xa xỉ phẩm như ngà voi, sừng tê, quế, trầm hương và hương liệu…, đồng thời các cảng trung chuyển hàng hóa ở vùng duyên hải cung cấp chỗ neo đậu an toàn, nước ngọt và củi gỗ cho các tàu đi dọc bờ biển từ Nam Á lên Đông Á. Do vậy, vương quốc Champa đã cung ứng những thương nhân trung gian quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại trong vùng biển phía nam (còn gọi là Nam Hải).
Sự hưng thịnh của các vương triều Champa được thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo. Mẫu mực của các kiến trúc này có thể thấy ở sự phong phú của các đền-tháp Phật giáo và Ấn Độ giáo xây bằng gạch tại miền Trung. Đáng chú ý nhất trong số đền-tháp này là quần thể kiến trúc Ấn Độ giáo tại Thánh địa Mỹ Sơn gồm 68 ngôi đền xây dựng từ cuối thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ XIII. Tổ chức UNESCO đã đưa quần thể kiến trúc này vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999. Ngoài ra còn một phức hợp của Thánh địa Phật giáo Đồng Dương xây dựng năm 875, hiện nay là một trong những công trình kiến trúc lịch sử Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Theo đánh giá của các nhà sử học, cư dân của vương quốc Champa (urang Campà) là những thương nhân rất tài giỏi. Dọc theo các con sông chính trong khu vực, họ đã thiết lập một mạng lưới kinh tế để trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Các thương nhân này nắm giữ việc trao đổi các nhu yếu phẩm giữa cư dân ở vùng duyên hải và cư dân ở vùng núi.
Người Katu ở miền ngược
Các khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam là quê hương của người Katu, một dân tộc thiểu số nói tiếng Môn-Khmer. Người Katu, hiện nay có dân số khoảng 50.000 người, đã trân trọng và ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của tổ tiên họ truyền lại. Một số ít người Katu hiện đang sống tập trung ở tỉnh Sekong của CHDCND Lào dọc theo biên giới với Việt Nam. Họ vẫn còn lưu giữ “những phong tục, truyền thống, kiến thức và văn hóa dân gian rất phong phú về thiên văn học, y khoa và các ngành khoa học khác
Các ngôi làng rải rác của người Katu ở tỉnh Quảng Nam được xây dựng từ thượng nguồn cho đến hạ lưu của các con sông chính trong khu vực. Ngày nay, người Katu sống gần đồng bằng nhất tập trung tại thôn Phú Túc, phía Tây thành phố Đà Nẵng, cách bờ biển khoảng 15km. Người Katu tự gọi mình là “Phương”, nghĩa là “người sống ở núi rừng”.
Muối là mặt hàng quan trọng nhất trong trao đổi buôn bán giữa người miền xuôi và miền ngược. Muối được nhấn mạnh trong hầu hết các nghiên cứu về người miền ngược. Họ thậm chí còn xây dựng một con đường mậu dịch chính gọi là “Con Đường Muối”. Vào giữa thế kỉ XX, nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes (Dam Bo) đã mô tả sinh động “con đường lớn” này kéo dài từ miền núi đến miền biển trong những công trình nghiên cứu của ông về các dân tộc thiểu số ở cao nguyên miền Trung. “Con Đường Muối” kết nối miền ngược và miền xuôi cũng như mang các tộc người lại gần với nhau, không chỉ để trao đổi nhu yếu phẩm mà còn vì văn hóa và hôn nhân liên sắc tộc.Thậm chí ngày nay, người Kinh ở đồng bằng, người Katu sống ở miền ngược vẫn thực hiện mua bán muối trong lưu vực sông Thu Bồn.
Việc mua bán muối với người miền xuôi đầu thế kỉ XX cũng được nhắc đến trong các câu hát dân gian của người Katu:
“Ngài là chủ muối,
Chúng tôi luôn là bạn của ngài,
Vì ngài mang trâu cho chúng tôi có thịt ăn,
Và giúp mua bán thuận lợi,
Nên chúng tôi uống rượu với ngài,
Nhà “gươl” của chúng tôi là nhà của ngài,
Vì ngài hùng mạnh và giàu có,
Chúng tôi muốn làm bạn với ngài”. 
“Mạng lưới giao thương miền ngược – miền xuôi” ở miền Trung Việt Nam: Mẫu hình đa sắc tộc cộng cư trong khu vực
Nhờ có vị trí địa lý nằm giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, tỉnh Quảng Nam là vùng đất hội tụ các nền văn hóa. Điều này giải thích cho việc cộng cư của các sắc tộc nói tiếng Nam Đảo và các sắc tộc nói tiếng Nam Á (Môn-Khmer) cũng như dân tộc Kinh hoặc người nói tiếng Việt với các cư dân bản địa trước đây của vùng đất này. Trong suốt thời kỳ tiền Việt (nước Việt Nam hiện đại – ND), vào thế kỉ XVI, cư dân sống ở lưu vực sông Thu Bồn vẫn dùng ngôn ngữ Champa của riêng họ và gìn giữ các phong tục Champa cổ. Những cư dân sống ở đồng bằng này có thể đã bắt đầu nói tiếng Việt vào một thời điểm nào đó trong thế kỉ XVII. Sự pha trộn ngôn ngữ phản ánh rõ rệt trong ngữ âm độc đáo của người nói tiếng Việt sống ở lưu vực sông Thu Bồn.Yếu tố văn hóa của vương quốc Champa vẫn còn tồn tại ở miền Trung. Theo hầu hết các tường thuật của người phương Tây và người Nhật Bản đến miền Trung hay Cochin-China (tên người phương Tây dùng để gọi Đàng Trong trước hậu bán tk XIX – ND) trong suốt các tk XVI và XVII, thì ảnh hưởng của văn hóa Champa vẫn còn rất mạnh, khi vùng đất này được gọi là Kẻ Chiêm hay Xứ Chiêm. Các chứng cứ ngôn ngữ và lịch sử chỉ rõ rằng một hình mẫu của sự cộng cư từ lâu đã là đặc trưng của mối tương tác giữa các dân tộc sinh sống ở lưu vực sông Thu Bồn nói riêng cũng như ở miền Trung nói chung. Theo những tài liệu có dấu vết thời gian rõ ràng từ sử liệu cổ Trung Hoa và các bia ký ghi nhận thì vương quốc cổ Champa chính thức xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ II, tức năm 192 khi quốc gia Lâm Ấp ra đời. Thật ra vương quốc này trước đó có rất nhiều tên: Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm... Sau này được đồng hóa với các tên Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc, Champa (Campapura), Phan Rang (Panduranga), cuối cùng là trấn Thuận Thành (Pradara).Về vùng đất Tượng Lâm, các sử liệu Trung Hoa xác quyết đó là phần đất ở vùng cực Nam quận Nhật Nam xưa kia, trực thuộc quyền quản trị hành chánh của Giao Châu thời Bắc thuộc; ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (có tài liệu ghi đến cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ phương Tây cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, gọi chung là Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên. Một số học giả người Champa xác nhận lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm: Indrapura (Bình Trị Thiên), Amavarati (Quảng Nam) và Vijaya ( Bình định), sau này gọi chung là Bắc Champa. Các triều vương Champa mà người sáng lập Khu Liên lên ngôi năm 192, trị vì trong nhiều năm, nhưng không biết mất năm nào và ai là người kế vị. Sử cổ Trung Hoa (Lương thư) cho biết trong khoảng thập niên 220-230, con cháu Khu Liên có gởi phái bộ đến thống đốc Quang Đông và các thái thú Giao Châu (Lã Đại và Lục Dận) triều cống và duy trì quan hệ ngoại giao. Từ sau nửa thế kỷ thứ hai sau công nguyên, phần lãnh thổ cực nam Giao Chỉ trở nên khó trị, dân cư bản địa liên tục nổi lên chống lại chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ nhà Hán. Huyện Tượng Lâm trở thành nơi tranh chấp thường trực giữa quan quân đô hộ nhà hán và nhân dân địa phương.

Di sản của vua Champa Poklong Muhnai
Một bộ di sản của hoàng tộc Champa gồm hơn 100 hiện vật của vua Pôklông Mưhnai được lưu hơn 300 năm qua bởi những người phụ nữ dòng dõi hoàng tộc tại Bình Thuận
Cách TP Phan Thiế 60 kmt, về thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình – thủ phủ xưa của vua Chămpa Pôklông Mưhnai. Hỏi thăm nhà cụ Nguyễn Thị Thềm, từ trẻ con đến người già trong làng đều biết, mặc dù hiện cụ đã khuất núi. Người Champa ở vùng này thường gọi cụ Thềm là “bà công chúa”.
Những công chúa cuối cùng
Theo tục lệ của người Champa theo đạo Bà la môn, người con gái út trong dòng tộc được hưởng thừa kế và chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Do vậy, việc lưu giữ những di sản của tổ tiên để truyền cho đời sau thường do người con gái út trong gia đình đảm nhiệm. Bà Nguyễn Thị Đào, năm nay đã 68 tuổi, kể: “Mẹ tôi là con út nhưng mất sớm. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ nên việc thừa kế bộ di sản của hoàng tộc được giao cho dì tôi là cụ Thềm”. Cụ Thềm không có gia đình nên xem bà Đào như con ruột. Năm 1995, cụ Thềm mất ở tuổi 85, trao quyền gìn giữ bộ di sản lại cho bà Đào. Con gái út của bà Đào là Lư Nguyễn Thị Phương Diễm (36 tuổi) sẽ là người tiếp theo trong hoàng tộc Chămpa ở địa phương này được thừa kế bộ di sản.
Bà Nguyễn Thị Đào là người đang thừa kế quyền gìn giữ bộ di sản hoàng tộc Chăm
Ông Lư Thái Thuổi (72 tuổi), chồng bà Đào, cho biết dòng hoàng tộc của vợ ông ít con cái, đến đời ông mới đông con, nhưng con trai nhiều hơn. Do vậy, việc ai được thừa hưởng quyền lưu giữ bộ di sản này sẽ được cả dòng tộc họp bàn quyết định, tất nhiên vẫn theo nguyên tắc của chế độ mẫu hệ xưa nay.Chúng tôi thắc mắc vì sao là hậu duệ của hoàng tộc Chăm nhưng cụ Thềm, bà Đào lại mang họ Nguyễn, ông Thuổi “đoán” có thể là lấy theo họ vua nhà Nguyễn từ những năm đầu thế kỷ XIX.
Báu vật của vua và hoàng hậu
Trong số hơn 100 hiện vật mà gia đình bà Đào đang lưu giữ, giá trị nhất là bộ vương miện của vua và hoàng hậu. Vương miện của vua Pôklông Mưhnai là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm, được làm hoàn toàn bằng vàng, có gắn đá quý, chạm trổ tinh xảo. Vương miện, bông tai, vòng xuyến của hoàng hậu cũng làm bằng vàng với những họa tiết cầu kỳ, đường nét uyển chuyển. Ngoài ra, các bộ khay khảm xà cừ, đồ đựng trầu cau cung đình, trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, đao kiếm, phèng la trận, mũ lính… cũng được cất giữ cẩn trọng. Đây là những hiện vật thể hiện rõ nét trình độ nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Chăm xưa. Tất cả phản ánh đậm nét đời sống văn hóa cung đình và lễ hội. 
 Vương miện của vua Pôklông Mưhnai: cao 19,5 cm, đường kính 19,5 cm, chạm trổ nhiều hình tượng thủy quái Makara và vương miện của hoàng hậu PôBia Sơm: cao 9,5 cm, chu vi 12 cm và bông tai, vòng xuyến
Trong suốt những năm chiến tranh, bộ di sản trải qua không ít thăng trầm. Bà Đào kể: “Thời chống Pháp, gia đình dì Thềm sợ bị mất nên giấu kỹ trên núi cao mấy chục năm. Đến thời chống Mỹ, dì tôi có đem về nhưng vẫn phải chôn dưới đất, sau giải phóng mới dám đào lên”.
Ông Thuổi cho biết thêm: Tụi tôi sinh sau đẻ muộn nên không biết tường tận các thế hệ của gia đình trước đây giữ gìn bảo vật của hoàng tộc như thế nào, chỉ nghe kể lại rằng, năm 1945, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Bác Hồ phát động, gia đình bà Thềm đã ủng hộ một bộ vương miện bằng vàng được cho là của vua Pôklông Kul (một người bà con của vua Pôklông Mưhnai).
Theo “hồ sơ gia đình” bà Đào, mấy chục năm qua, trải qua bao dâu bể của thế cuộc, bộ di sản của hoàng tộc chưa bị mất hay thất lạc bất kỳ một món nào. Thậm chí, thời bao cấp, dẫu kinh tế gia đình có lúc rất khó khăn, nhưng chưa bao giờ, chưa bất kỳ ai trong dòng tộc nghĩ đến việc mang bảo vật đi bán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét